Những người gác việc nhà để “thổi tù và hàng tổng”

Nhiều giáo dân ở xứ đạo Như Sơn (Ninh Bình) đang hoạt động tích cực, quên cả việc riêng, thầm lặng góp công cho ngày hội bầu cử sắp tới.
Chỉ còn 2 tuần nữa, cử tri cả nước sẽ bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khóa XIII và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.

Công tác chuẩn bị ở cấp quốc gia và từng địa phương đang vào giai đoạn nước rút. Góp phần vào thành công của ngày hội dân chủ này luôn có sự tận tụy của những cá nhân thầm lặng đi về mỗi ngày, bỏ nhiều thời gian công sức, miệt mài cho vô số những công việc chuẩn bị khác nhau.

Chúng tôi đã được gặp những người như vậy tại xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình-một địa phương có tới 75% người dân là đồng bào công giáo.

Những tuyên truyền viên tận tụy....

Giáo dân xứ Như Sơn, xã Xuân Thiện, huyện Kim Sơn ai cũng biết chị Vũ Thị Na, một tuyên truyền viên tích cực cho ngày bầu cử.

Trong cái nắng đầu hè khá gắt, chúng tôi tìm đến ngôi nhà đang xây dựng dở dang của chị, còn bộn bề gạch, cát.

Lấy tay áo gạt dòng mồ hôi chảy dài trên mặt, chị Na cho biết công việc thường xuyên ở hội phụ nữ và kiêm vai trò cộng tác viên y tế của xã đã tiêu tốn khá nhiều thời gian của chị.

Nào là tổ chức cho phụ nữ sinh hoạt tổ định kỳ, thăm hỏi những người đau ốm, tổ chức chị em làm công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn họ làm nghề đan cói, đến các gia đình có phụ nữ mang thai để tư vấn về sức khỏe sinh sản…

Vốn nổi tiếng là người khéo tổ chức, chị Na đã biết tận dụng những buổi sinh hoạt của hội phụ nữ và tư vấn y tế cho bà mẹ trẻ em để nói chuyện, tuyên truyền về bầu cử.

Các con đi học xa, nhà chỉ có hai vợ chồng chị đảm đương một mẫu tám ruộng, lại còn đàn lợn, gà, rồi thì xây nhà nữa. Thế nhưng chị vẫn mải miết công việc của một tuyên truyền viên.

Chị Na tâm tình: "Có hôm mải đi tập huấn về tuyên truyền bầu cử cả ngày, gần như quên bẵng việc chăm lo gà, lợn ở nhà. May mà ông chồng cũng thông cảm!"

Thậm chí, nhiều hôm, hai vợ chồng đều đi vắng cả, không có người giám sát việc xây dựng nhà, chị phải cho thợ tạm nghỉ để mình đi tuyên truyền, vận động về bầu cử.

“Nhà neo người, lại đang xây dựng nên tôi phải cố gắng lắm mới có thể thu xếp công việc. Nhưng bận gì thì bận, việc đi tuyên truyền về bầu cử thì vẫn cứ phải lo chu đáo,” chị Na cười.

Giống như chị Na, ông Thược cũng là một tuyên truyền viên tích cực về bầu cử. Theo dõi sát những diễn biến của quy trình hiệp thương, tham dự đầy đủ những buổi lấy ý kiến của cử tri với người ứng cử, ông Thược đã hình thành cho mình một phong cách nói chuyện khá thuyết phục.

Cách nói chuyện vừa di dỏm lại vừa nghiêm túc cuả ông Thược khiến cho người nghe dễ dàng tiếp nhận.

Ông Thược cho biết, do sự cởi mở và nhiệt tình của người dân địa phương nên công tác truyên truyền cho bầu cử nhìn chung là thuận lợi.

Tuy nhiên, người dân ở địa phương vốn có thói quen nhìn nhau để làm nên dễ xảy ra việc một số cử tri thấy người khác bầu ai thì mình bầu theo người đó. Vì vậy, khó khăn nhất trong công tác tuyên truyền là phân tích cho từng người dân hiểu rõ lá phiếu là quyền lợi của cử tri và họ cần phải sáng suốt lựa chọn.

Tâm huyết với nhiệm vụ tuyên truyền viên, nhiều hôm ông Thược cũng phải tạm gác lại việc nhà như phun thuốc sâu hay lợp lại mái bếp để đi tuyên truyền về bầu cử cho những trường hợp đặc biệt trong thôn. Đó là những cụ già đã gần chạm tuổi 90, sức đã yếu và tư duy cũng giảm minh mẫn.

Với những cử tri già cả như vậy, đôi lúc họ lơ đãng với những  gì diễn ra xung quanh, do vậy, ông Thược, chị Na cùng đội tuyên truyền thường xuyên phải đến giúp họ tập trung suy nghĩ về ngày bầu cử và nhắc nhở các cụ nhớ danh sách người ứng cử để cân nhắc và lựa chọn người xứng đáng ra giúp dân, giúp nước.

Và vị cha sứ tích cực

Mang gương mặt phúc hậu của tuổi 54, cha Nguyễn Văn Hào ở giáo xứ Như Sơn rất cởi mở và thân thiện khi tiếp chúng tôi.

Ông Hào cho biết toàn xứ Như Sơn có 2.700 giáo dân nhưng nhiều người đang đi làm ăn xa nên giờ chỉ có hơn 1.000 người ở nhà.

Song song với việc tuyên truyền qua hệ thống loa, đài cơ sở, ông Hào đã có nhiều buổi nói chuyện để người dân nói chung và đồng bào theo đạo công giáo nói riêng hiểu rõ về tính chất quan trọng của ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, về quyền và nghĩa vụ của mỗi cử tri khi cầm lá phiếu đi bầu cử.

Ông Hào cho biết, đợt bầu cử nào ông cũng đến nơi bỏ phiếu từ rất sớm và luôn là người đầu tiên bỏ lá phiếu, thực hiện quyền công dân của mình.

“Trước hết, tôi là một công dân nên luôn ý thức rằng phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với đất nước. Bên cạnh đó, là một linh mục, tôi cần đề cao tính tiên phong gương mẫu để đồng bào theo đạo kính trọng và noi theo,” ông Hào khẳng định.

Theo lời ông, ở những lần bầu cử trước, khi trời chưa chuyển sang trưa, hầu hết các cử tri là giáo dân thuộc xứ Như Sơn đã hoàn tất công việc bỏ phiếu của mình. Một vài trường hợp do tuổi già sức yếu không tự đến điểm bỏ phiếu được thì mới đành ở nhà đợi tổ bầu cử mang hòm phiếu đến.

Không những tích cực tuyên truyền để người dân xứ đạo hiểu và thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ công dân của mình trong ngày bầu cử, ông Hào còn động viên một số người dân đủ đức, đủ tài tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân dân cấp xã, nhiệm kỳ 2011-2016./.

Thiên Linh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục