HĐBA nhất trí triển khai lực lượng can thiệp tới Mali

HĐBA nhất trí triển khai lực lượng can thiệp tới Mali giúp nước này giành lại phần lớn lãnh thổ đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 20/12 đã nhất trí thông qua kế hoạch triển khai một lực lượng can thiệp tới Mali nhằm giúp quân đội nước này giành lại phần lớn lãnh thổ đang bị phiến quân Hồi giáo chiếm đóng.

[HĐBA "bật đèn xanh" can thiệp quân sự vào Mali]

Hội đồng gồm 15 thành viên đã nhất trí ủy quyền cho Phái bộ hỗ trợ quốc tế do châu Phi đứng đầu ở Mali (AFISMA) sử dụng "mọi biện pháp cần thiết" trong một năm tới để giúp Chính phủ Mali giành lại khu vực miền Bắc từ tay các nhóm khủng bố và lực lượng cực đoan cũng như nỗ lực ngăn chặn các hoạt động quân sự gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Mali.

Cũng theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an, AFISMA có nhiệm vụ hợp tác chặt chẽ với các đối tác quốc tế liên quan, bao gồm các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia thành viên Liên hợp quốc, nhằm hỗ trợ tái xây dựng và tăng cường củng cố năng lực của Lực lượng an ninh và quốc phòng Mali.

Hoan nghênh trước cam kết của các nước Tây Phi sẽ gửi một lực lượng gồm 3.300 binh sỹ để triển khai tới Mali nhằm giúp xây dựng lại quân đội nước này, Hội đồng Bảo an kêu gọi các nước thành viên Liên hợp quốc bổ sung lực lượng quân đội cho AFISMA nhằm giúp phái bộ này hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, Hội đồng Bảo an cũng hối thúc chính quyền lâm thời Mali nhanh chóng hoàn thành tiến trình chuyển tiếp thông qua đối thoại chính trị sâu rộng, đồng thời tái khẳng định sẵn sàng tiếp tục áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào các lực lượng nổi dậy và các cá nhân không cắt đứt quan hệ với các tổ chức khủng bố quốc tế.

Mali rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng từ tháng Ba khi các binh sỹ nổi loạn lật đổ Tổng thống được bầu Amadou Toumani Toure. Tình trạng rối ren sau đó đã tạo điều kiện cho lực lượng phiến quân người Tuareg mở rộng kiểm soát các tỉnh sa mạc rộng lớn ở miền Bắc nước này và tuyên bố ly khai, lập ra "Nhà nước Azawad" và áp đặt luật Hồi giáo (Sharia).

Cuộc khủng hoảng ở Mali đã trở thành mối quan tâm an ninh đối với các chính phủ phương Tây vốn lo ngại vùng sa mạc rộng lớn của nước này có thể biến thành một nơi huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục