Italy: Đảng M5S muốn trưng cầu ý dân về Eurozone

Lãnh đạo đảng M5S muốn tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về việc Italy có nên tiếp tục sử dụng đồng euro cũng như ở lại EU hay không.
Lãnh đạo đảng Phong trào 5 Sao (M5S), danh hài Beppe Grillo ngày 23/5 cho biết đảng ông sẽ nỗ lực thúc đẩy để Italy tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân vào năm tới về việc liệu nước này có nên tiếp tục sử dụng đồng euro cũng như có tiếp tục ở lại trong Liên minh châu Âu (EU) hay không.

Phát biểu trước đám đông những người ủng hộ ở thành phố Mirandola ở miền Bắc Italy, ông Grillo nói rằng M5S sẽ có một năm để vận động và tiếp đó là kêu gọi tổ chức trưng cầu ý dân về vấn đề nói trên.

[Đa số người dân Italy muốn được ở lại Eurozone]

Theo ông Grillo, Italy nên theo gương của Anh sau khi Thủ tướng David Cameron cam kết sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU vào năm 2017.

Ông Grillo cũng đặc biệt nhấn mạnh rằng không một chính đảng nào ở Italy có quyền quyết định thay cho 60 triệu người dân của nước này.

Ở Italy, việc kêu gọi tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân bằng cách thu thập 500.000 chữ ký trong một lá đơn là điều có thể nếu Tòa án Hiến pháp phán quyết rằng đề xuất này là hợp hiến.

Ông Grillo, với đảng M5S của ông giành được khoảng 25% số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Hai, trước đây cũng đã từng nêu lên ý tưởng tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân liên quan đến đồng euro, khiến nhiều người chỉ trích rằng vị danh hài 64 tuổi này đang kích động những người dân bình thường ủng hộ các chính sách sẽ đẩy Italy rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế theo kiểu Hy Lạp.

Các nhà phân tích nhận định sự thành công "phi thường" của M5S trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Hai vừa qua một phần là nhờ vào việc ông Grillo mạnh mẽ chỉ trích các chính sách mà cựu Thủ tướng Mario Monti đã áp dụng nhằm lèo lái đất nước thoát khỏi trung tâm của cuộc khủng hoảng ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone). Theo ông Grillo, những chính sách này là do EU áp đặt.

Tuy nhiên, đảng M5S đơn giản cũng chỉ là một phong trào phản kháng mang tính dân túy và chống thắt lưng buộc bụng.

Ông Grillo đã từng tuyên bố công khai rằng mục tiêu của M5S là tìm cách "phá hủy" hệ thống các đảng phái truyền thống mà ông cho là nguyên nhân gây nên tình trạng nợ công cao, tham nhũng cũng như suy thoái kinh tế ở Italy.

Thực tế là sau cuộc tổng tuyển cử vừa qua, Italy đã phải trải qua tình trạng bế tắc chính trị kéo dài trong hai tháng bởi vì M5S đã từ chối việc hợp tác để thành lập một chính phủ liên minh với đảng Dân chủ (PD) trung tả, hoặc đảng Nhân dân Tự do (PDL) trung hữu của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi.

Tình trạng bế tắc này cuối cùng đã được tháo gỡ với việc chính phủ liên minh tả-hữu do Thủ tướng Enrico Letta đứng đầu lên nhậm chức hồi cuối tháng trước.

Hiện đảng M5S đang nắm giữ 109 ghế tại Hạ viện (gồm 630 ghế) và 54 ghế tại Thượng viện (gồm 315 ghế)./.

Ngự Bình/Rome (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục