Quảng Bình di dời dân khỏi vùng nguy hiểm của bão

Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, tỉnh Quảng Bình đã đôn đốc các địa phương tích cực chống bão và di dân khỏi các vùng nguy hiểm.
Trước diễn biến phức tạp của bão số 10, tỉnh Quảng Bình đã tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các địa phương tích cực phòng chống bão và di dời dân ra khỏi những vùng nguy hiểm.

Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, toàn tỉnh có trên 10.130 hộ dân với trên 41.000 nhân khẩu ở những nơi thấp lụt ven sông suối cần phải di dời.

Đến sáng 30/9, thông tin nhanh từ Ủy ban Nhân dân huyện Quảng Ninh, các xã tổ chức di dời cho trên 1.000 hộ dân với hơn 4.000 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.

Hiện nay, tại xã Trường Xuân đã di dời được 30 hộ dân, xã Hiền Ninh di dời được 213 hộ dân, Tân Ninh di dời được 50 hộ ở vùng nguy hiểm đến nơi an toàn và đang triển khai di dời khẩn cấp các hộ dân còn lại. Huyện đã kêu gọi và hướng dẫn cho 370 tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn.

Đến thời điểm này, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn huyện Bố Trạch đã liên tiếp có 2 công điện khẩn, phương án di dời trên 7.000 hộ dân của 55 khu vực trên địa bàn toàn huyện. Tại xã biển Hải Trạch, huyện Bố Trạch đến sáng 30/9 đã di dời 135 hộ dân sống ven biển ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở cao; kêu gọi 29 tàu có công suất 250 CV vào bờ neo đậu an toàn. Tại xã Thanh Trạch, đến 22 giờ ngày 29/9, đã di dời 80 hộ dân với 360 khẩu của 3 thôn Thanh Xuân, Thanh Gianh và Thanh Khê vào cư trú tại các nhà cao tầng của nhân dân trong xã. Thanh Trạch có 35 tàu đánh bắt xa bờ thì có 33 tàu đã vào trú ẩn an toàn, 2 tàu còn lại đã nhận được thông tin liên lạc và kịp thời vào trú ẩn.

Lực lượng và các đơn vị chức năng của tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo các ngành, địa phương dự trữ lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm cần thiết, sẵn sàng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn các công trình giao thông, thủy lợi, công trình đê điều, các công trình đang thi công và các công trình phòng chống lụt bão khác.

Thủ trưởng các phòng ban, đơn vị duy trì trực ban 24/24 giờ tại trụ sở để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra, hoãn tất cả các cuộc họp chưa cần thiết, tập trung cho công tác phòng chống bão, lụt; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, mực nước các sông để chủ động các phương án phòng chống bão lụt, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân theo phương châm “Bốn tại chỗ.”

Tỉnh thành lập nhiều đoàn kiểm tra đến các khu vực xung yếu, những nơi thường xuyên bị ảnh hưởng nặng của bão lũ để kiểm tra và đôn đốc công tác chống bão.Ủy ban Nhân dân  các huyện, Đồn Biên phòng, lực lượng bộ đội, Công an cùng phối hợp sẵn sàng lực lượng để kịp thời xử lý các tình huống do bão gây ra./.

Võ Thị Dung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục