Cần nâng xử phạt với hành vi gian lận đo lường

Thảo luận về dự thảo Luật đo lường, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần nâng cao hơn mức xử phạt với hành vi gian lận đo lường.
Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, sáng 21/10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đo lường.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật đo lường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thấy, dự thảo đã bổ sung nhiều nội dung quy định nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động đo lường như điều kiện hoạt động của tổ chức được chỉ định giữ chuẩn quốc gia, không phân biệt đơn vị sự nghiệp công lập hay tổ chức tư nhân; điều kiện hoạt động của tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội-nghề nghiệp về đo lường...

Về thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường, theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có 52/64 báo cáo tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội cho rằng mức xử phạt các hành vi gian lận còn nhẹ, cần nâng cao hơn nữa; có ý kiến đề nghị nâng mức xử phạt lên 20-50 lần số tiền thu lợi bất chính; chế tài xử phạt nghiêm minh.

Tiếp thu các ý kiến này, dự thảo quy định mức phạt sẽ được thực hiện theo pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp đã áp dụng mức phạt cao nhất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính mà vẫn thấp hơn số tiền thu lợi bất chính trong suốt quá trình vi phạm sẽ áp dụng mức phạt từ 1-5 lần số tiền đó.

Tuy nhiên, theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, không nên quy định chi phí trong Luật này mà chỉ quy định nguyên tắc về việc thu phí, lệ phí cho hoạt động đo lường như đã thể hiện ở Điều 26. Đại biểu đề nghị bỏ Khoản 5, Khoản 6, Điều 52 về xử lý vi phạm, pháp luật về đo lường đồng thời sửa đổi, bổ sung Khoản 4 quy định về hình thức mức phạt tiền thẩm quyền xử phạt các hành vi và vi phạm pháp luật đo lường theo qui định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cũng cho rằng quy định về mức phạt như trong dự thảo không đảm bảo được tính thống nhất pháp luật về xử lý vi phạm hành chính hiện hành. Việc quy định các mức xử phạt, tiền phải được xem xét nhiều mặt, kể cả về lý luận cũng như thực tiễn để phù hợp với điều kiện phát triển về kinh tế xã hội và thu nhập của người dân.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) đồng tình quy định như dự thảo rất chung chung, khó thực hiện và không thống nhất trong việc thực thi trách nhiệm giữa các nơi và các tỉnh. Đại biểu đề nghị, trường hợp vượt mức phạt cao nhất nên quy định cụ thể hơn; tùy trường hợp tính chất, mức độ vi phạm có thể truy cứu hình sự đối với những trường hợp vi phạm gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), cần quy định rõ nguyên tắc xử lý vi phạm pháp luật về đo lường trong nhiều lĩnh vực khác bởi hiện nay mức xử phạt vi phạm hành chính là quá nhẹ dẫn đến đối tượng sẵn sàng vi phạm và nộp phạt để thu lợi nhiều hơn. Những vi phạm trong lĩnh vực đo lường có thể thu lợi bất chính hàng triệu thậm chí hàng chục triệu đồng nhưng chỉ bị phạt vi phạm hành chính với mức vài trăm ngàn đồng, như vậy việc xử phạt không có tác dụng.

Đại biểu Vẻ đề nghị quy định trong luật nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính đối với những vi phạm về đo lường phải cao hơn số lợi bất chính thu được từ vi phạm, mức cụ thể do Chính phủ quy định.

Đại biểu Nguyễn Phước Lộc (Thành phố Hồ Chí Minh) lại cho rằng, cần nâng mức xử phạt đối với hành vi gian lận đo lường để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, có thể xử phạt gấp 20-30 lần số tiền thu lợi bất chính. Ngoài xử phạt cần đình chỉ hoạt động đối với cơ sở cố tình vi phạm pháp luật về đo lường./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục