"Quan tâm hơn giáo dục và giáo viên vùng khó khăn"

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu chính quyền các cấp quan tâm hơn nữa cho giáo dục, nhất là các vùng miền núi, vùng hải đảo.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Chính phủ sẽ tiếp tục hỗ trợ cho ngành giáo dục vì thế hệ tương lai của đất nước, đồng thời yêu cầu chính quyền các cấp cần quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục, nhất là các vùng miền núi, vùng hải đảo.

Ngày 9/11, tại lễ gặp mặt, biểu dương 128 nữ nhà giáo tiêu biểu đang công tác tại biên giới, hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã nhiệt liệt biểu dương những công lao đóng góp của các nữ nhà giáo đang công tác tại vùng khó khăn.

Phó Thủ tướng khẳng định giáo dục và đào tạo ở vùng khó luôn được Đảng, Nhà nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhân dân quan tâm, đầu tư phát triển. Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn và thử thách, song Phó Thủ tướng mong rằng bằng nghị lực, lòng yêu nghề và vì học sinh thân yêu, các cô tiếp tục bám trường, bám lớp.

Những lớp học được các cô tổ chức ở những bản, phum, sóc hay buôn ở biên giới, những lớp học được tổ chức ở đảo Cô Tô, Cát Bà, Lý Sơn, Côn Đảo, Trường Sa, Phú Quốc, Thổ Chu không chỉ đơn thuần là giáo dục mà còn khẳng định đây là chủ quyền của quốc gia, bởi ở đó mỗi khi bình minh là Quốc ca của nước nhà được vang lên qua tiếng hát trẻ thơ và Quốc kỳ của đất nước được tung bay trong ánh mắt của mỗi em.

Phó Thủ tướng khẳng định mỗi cô giáo là một tấm gương tiêu biểu của nền giáo dục Việt Nam. Phó Thủ tướng bày tỏ sự xúc động trước tấm lòng, công sức của các nữ nhà giáo, bày tỏ sự chia sẻ với những khó khăn mà không ít cô giáo đã cống hiến, hy sinh cả tuổi thanh xuân, bằng sức lực của minh, bám trường bám lớp, góp phần thúc đẩy sự nghiệp trồng người.

Những năm gần đây, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Đảng, Chính phủ đã quyết tâm triển khai một số chính sách mới nhằm hỗ trợ điều kiện giảng dạy học tập tại các vùng khó khăn như xây nhà công vụ cho hàng nghìn giáo viên vùng khó khăn; chương trình kiên cố hóa trường lớp đã tạo môi trường học tập mới khang trang cho hàng vạn trẻ em vùng thiệt thòi; ban hành chính sách phụ cấp thâm niên cho nhà giáo...

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận cho biết hiện đội ngũ nhà giáo Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người, trong đó có hơn 800.000 nữ nhà giáo và hơn 150.000 người đang công tác tại các xã vùng cao, miền núi và bãi ngang – những nơi đặc biệt khó khăn của đất nước.

Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất về những cống hiến, những hy sinh thầm lặng của các cô giáo vì học sinh thân yêu.

Bộ trưởng nhấn mạnh các cô không chỉ đơn thuần là người dạy chữ mà còn là người tuyên truyền đường lối của Đảng, chủ trương của Nhà nước đến với bà con, là nhịp cầu văn hóa đến với người dân bản địa. Bộ trưởng mong muốn, các cô tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn nữa để vượt qua những khó khăn, thách thức để cống hiến sức lực và trí tuệ cho Giáo dục và Đào tạo nước nhà.

Thời gian qua, bằng những giải pháp tích cực, đến nay điều kiện sống và làm việc học tập tại tại các địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo đã có bước phát triển đáng kể.

Song vì xuất phát điểm kinh tế, dân trí thấp, điều kiện khó khăn nên các thầy, cô giáo ở nơi đây vẫn còn nhiều vất vả, thiếu thốn.

Nhưng với tấm lòng yêu nghề, vì tương lai thế hệ trẻ các thầy giáo, các cô giáo đã vượt qua nhiều gian khổ để kiên trì vận động đưa các em đến trường. Không chỉ dạy học mà các nhà giáo đã thực sự là những chiến sĩ của Đảng làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện tốt các chủ trương sách của Đảng, Nhà nước.

Lớp lớp, các thế hệ cán bộ, giáo viên đã đồng hành cùng đồng bào vùng khó khăn đóng góp trực tiếp vào sự phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh, củng cố đoàn kết dân tộc.

Có mặt tại buổi lễ tuyên dương, các cô giáo sẻ chia sẻ cả quãng đường dạy học tại các bản vùng cao hết sức thiếu thốn, gian truân nhưng cũng chan chứa tình người. Các cô cũng trao đổi những kinh nghiệm dạy tốt trong điều kiện khó khăn nhất.

Cô giáo Trần La Giang (trường trung học phổ thông chuyên tỉnh Sơn La) không chỉ là giáo viên dạy giỏi có nhiều học sinh đạt giải cao mà còn là mẹ - giáo viên dạy trực tiếp trò đạt Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế Ngô Phi Long – học sinh miền núi đầu tiên giành giải thưởng quốc tế.

Cô giáo Nguyễn Thanh Thêm (Hiệu trưởng trường mẫu giáo xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, Cà Mau) là người đã miệt mài cố gắng phấn đấu suốt 13 năm, xây dựng nên trường mẫu giáo từ một căn phòng tương đối chật hẹp, chỉ có duy nhất 1 cô giáo trở thành ngôi trường khang trang với 5 phòng học, 8 cán bộ giáo viên, giúp cho học sinh huyện nghèo Ngọc Hiển có điều kiện vui chơi, học tập...

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tặng bằng khen cho 129 nữ giáo viên tiêu biểu đang công tác tại biên giới hải đảo, vùng cao, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trên mọi miền của Tổ quốc./.

Ngọc Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục