Các quan chức khí tượng ASEAN họp tại Đà Nẵng

Khóa họp 32 Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN thảo luận về động đất, sóng thần; bão và khói bụi, khói mù xuyên biên giới.
Khóa họp lần thứ 32 Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu ASEAN, đã khai mạc ngày 10/5, tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham dự của các nước thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, đại diện Tổ chức Khí tượng thế giới (WWO), Tổng cục khí tượng Nhật Bản và Hàn Quốc.

Phát biểu khai mạc khóa họp, đại diện nước chủ nhà Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Đức cho rằng khu vực Đông Nam châu Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng của thiên tai nhiều nhất trên thế giới. Các quốc gia trong khu vực đang phải đối đầu với đủ loại hình thiên tai: thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn và vật lý địa cầu.

Khóa họp lần này sẽ kiểm điểm lại việc thực hiện các dự án và sáng kiến đã đề xuất tại khóa họp lần thứ 31, tổ chức tại Thái Lan vào năm 2009, với sự tài trợ của ba nước đối tác ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các nước thành viên ASEAN cũng tập trung thảo luận ba lĩnh vực quan trọng là động đất, sóng thần; bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển đông; và khói bụi, khói mù xuyên biên giới.

Khóa họp lần này là dịp để các nước thành viên ASEAN trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, cảnh báo bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông; xử lý khói bụi, khói mù xuyên biên giới; xây dựng Trung tâm cảnh báo sớm về động đất và sóng thần, qua đó nhằm tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN trong lĩnh vực khí tượng và vật lý địa cầu.

Từ khi thành lập đến nay, trong khuôn khổ Ủy ban Khoa học công nghệ, Tiểu ban Khí tượng và Vật lý địa cầu đã và đang thực hiện nhiều dự án, hoạt động hợp tác chung nhằm tăng cường năng lực phục vụ khí tượng, thủy văn và vật lý địa cầu; đặc biệt trong việc giám sát thiên tai, dao động và biến đổi khí hậu, cũng như cung cấp kịp thời các bản tin dự báo và cảnh báo sớm thiên tai với độ chính xác ngày càng cao, góp phần giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế-xã hội trong toàn khu vực nói chung và các nước thành viên nói riêng.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi biến đổi khí hậu đã, đang và dự kiến sẽ tác động nghiêm trọng đến hầu hết các khía cạnh của đời sống và giới hạn các lựa chọn phát triển cho tương lai, trong đó có nỗ lực của các nước thành viên nhằm đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ tới, nhiệm vụ của Tiểu ban Khí tượng và vật lý địa cầu sẽ nặng nề hơn.

Khóa họp sẽ kết thúc ngày 12/5./.

Hà Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục