Hầm bộ hành cho thú

Mỹ: Động vật cũng có “hầm bộ hành” riêng ở xa lộ

Các con thú đã sử dụng cống ngầm để băng qua xa lộ, giảm thiểu được những vụ tai nạn do xe cộ đâm phải các con thú băng qua đường.
HTML clipboard Những con gà đã băng qua đường bằng cách nào? Hay những con gấu trúc Mỹ, thú có túi Virginia, chuột mũi Bắc Mỹ, cáo đỏ, nai đuôi trắng hay diệc xanh lớn? Để tìm hiểu, các nhà khoa học ở Maryland đã đặt nhiều máy ghi hình dò chuyển động tại các cống nước ngầm trên khắp bang nằm gần Đại Tây Dương này để tìm hiểu xem động vật hoang dã đủ loại đã dùng đường dẫn nước để tránh xe cộ ra sao. Các đường ống được xây dựng nhằm tránh gây ngập nước ở xa lộ, song vô tình chúng đã trở thành “hầm bộ hành” của các con thú. "Tôi rất ngạc nhiên trước số lượng các loài đã sử dụng những ống cống dẫn nước ấy," giáo sư J. Edward Gates tại Trung tâm Khoa học Môi trường của Đại học Maryland nói với AFP qua một cuộc phỏng vấn trên điện thoại. "Gần như mọi loại động vật ở Maryland đều sử dụng cống, ngoại trừ 3 loài: linh miêu Bắc Mỹ, gấu đen và sói coyote." Vốn cho dự án tới từ Cơ quan quản lý xa lộ bang Maryland , cũng giống như nhiều cơ quan khác trên toàn Mỹ, muốn tìm cách để giảm thiệt hại trong các vụ xe đâm chết động vật hoang, vốn khiến con người cũng bị ảnh hưởng. Mỗi năm, các vụ tai nạn giữa xe hơi và động vật hoang khiến 200 người thiệt mạng, cũng như hàng "triệu" con thú các loại, theo số liệu của Bộ Giao thông vận tải liên bang. Các vụ tai nạn chỉ liên quan tới những con nai đã gây thiệt hại lên tới 4,6 tỉ USD, bao gồm chi phí hư hỏng xe, bảo hiểm y tế cho người bị thương, Viện Thông tin Bảo hiểm cho biết thêm. Để đánh giá xem các ống cống thoát nước giúp giảm bớt tình trạng này ra sao, nhóm của Gates đã lắp đặt các camera hồng ngoại Moultrie Game Spy -- thường được các thợ săn sử dụng để lần theo dấu động vật hoang -- bên trong 300 ống cống ở mọi quận trong bang. Một số ống cống chạy dưới Xa lộ Liên bang 95 , một trong những đường quốc lộ lớn có đông xe qua lại nhất Bắc Mỹ. Số khác nằm dưới những con đường ít người qua lại ở vùng nông thôn, dọc theo Vịnh Chesapeake và dãy núi Appalachian. Tiếp đó, sau 2 năm và 8 mùa trôi qua, cho tới tháng 1 năm nay, các nhà khoa học đã cần mẫn theo dõi sự di chuyển của động vật hoang dã.

Họ thấy rằng gấu trúc Mỹ là động vật sử dụng cống thoát nước nhiều nhất, chúng xuất hiện tại 246 ống cống ở 24.800 lần khác nhau. Một trong số chúng, trông hoàn toàn cô độc khi đứng trong nước ngập tới ngực, đã trở thành hình ảnh gần như biểu tượng cho dự án (ảnh trên). Thú có túi Virginia, nổi tiếng vì khả năng giả chết khi bị đe dọa, xuất hiện 2.169 lần tại 103 ống cống, chuột chũi miền Bắc Bắc Mỹ là 822 lần ở 97 ống cống và cáo đỏ là 928 lần ở 66 cống. Nhưng điều ngạc nhiên hơn cả lại liên quan tới những con nai đuôi trắng, với số lượng đã tăng trưởng rất nhanh ở Bắc Mỹ, tới mức chúng dễ bị xe đâm chết hơn là bị thợ săn bắn hạ. "Chúng tôi thấy nai sử dụng rất nhiều dạng ống cống có kích cỡ khác nhau, điều thật thú vị,"- Gates nói và cho biết ông thấy chúng xuất hiện 1.093 lần ở 63 ống cống. "Phần lớn các nghiên cứu trước đây nói rằng nai cần một ống cống có kích cỡ tương đối lớn, rằng chúng phải cảm thấy không bị kẹt lại bên trong và phải nhìn thấy được đầu phía bên kia của cống" - ông nói. "Nhưng chúng tôi thấy rằng chúng sử dụng cả các ống cống nơi đầu chúng gần chạm trần, nên nếu chúng thích ... chúng có thể sử dụng các ống cống rất nhỏ". Ngạc nhiên không kém là loài diệc xanh lớn, được chụp ảnh 545 lần tại 77 cống nước, cho thấy rằng ngay cả loài chim cũng thích những đường ngầm như động vật sống trên cạn. "Tất cả các đường ống cống là chúng sử dụng thường là loại cống lớn và tất cả đều có nước sâu hơn" - Gates nói. "Có thể những con chim này đang bắt cá hay tôm ở ngoài ống và chúng chỉ tình cờ bước vào các ống cống để tìm kiếm thêm thực phẩm." Các sinh vật sử dụng ống cống khác gồm sói, sóc xám, vịt trời, sóc chuột, hải ly, rái cá, ngỗng Canada và chồn hôi. Có những con vật chỉ xuất hiện trước máy ảnh một lần, gồm chim sáo đá, chim hồng tước, vịt hoang Bắc Mỹ, rắn nước, rùa nước ngọt Bắc Mỹ và chuột đồng. Các động vật đã thuần hóa cũng xuất hiện trong ống cống này, gồm chó, mèo, gia súc (547 con, dù xuất hiện tại duy nhất một cống nước) -- và thậm chí là cả con người (399 lần trong 66 ống cống). Và gà thì sao? "Ai cũng hỏi tôi câu hỏi đó" - Gates nói và cười lớn. "Không, chúng tôi chẳng thấy con gà nào cả."/.
Gia Bảo (AFP/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục