Người cựu chiến binh "cõng" đá mỹ nghệ đi Tây

Anh Trần Xuất - cựu chiến binh ở Đà Nẵng, từ hai bàn tay trắng đã vươn lên làm giàu, trở thành tỷ phú bằng nghề sản xuất đá mỹ nghệ.
Dáng người thấp đậm, nước da ngăm đen, mặc "quần lửng, áo buông" với hàm râu vểnh là những "đặc điểm nhận dạng" anh Trần Xuất - một cựu chiến binh ở Đà Nẵng, chủ cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ Xuất Ánh.

Tay trắng trở thành tỷ phú

Trở về quê hương Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng với hai bàn tay trắng và hành trang là chiếc ba lô con cóc được cấp phát từ thời còn ở quân ngũ (từ năm 1984-1987, tại đảo Trường Sa Đông), Trần Xuất xin đi học nghề điêu khắc đá tại làng đá mỹ nghệ Non Nước.

Vốn chăm chỉ cộng với sự quyết tâm, chỉ trong vòng 6 tháng, anh đã vững tay nghề.

Ban ngày đi làm, anh nhặt nhạnh những mảnh vỡ sau khi chạm trổ các bức tượng lớn mà ông chủ vứt đi, rồi mang về nhà mày mò đục, chạm đến khuya để nhanh chóng hoàn thiện tay nghề.

Khi lập gia đình, cuộc sống khó khăn khiến anh phải tạm gác niềm đam mê với đá, lên đường đi buôn.

Sau một thời gian bôn ba, người cựu chiến binh này suy nghĩ đến việc phát huy những tiềm năng sẵn có của làng mình và ý tưởng lập xưởng sản xuất đá mỹ nghệ bắt đầu hình thành.

Năm 1992, tròn 28 tuổi, anh cùng với hai người bạn đi lính cùng nhau mở một xưởng mỹ nghệ nhỏ.

Đúng vào thời điểm đó, một số du khách đến khu danh thắng Ngũ Hành Sơn thấy “mấy ông lính” mày mò điêu khắc nên tò mò ghé xem và mua một số sản phẩm. Sau đó, anh đi mua một số bức tượng lớn hơn về trưng bày để khuếch trương thương hiệu của mình.

Từ bán sản phẩm cho du khách, dần dần anh tìm hiểu, làm quen với các hãng lữ hành, công ty chuyên xuất hàng mỹ nghệ ra nước ngoài, tìm hiểu phương thức cách tiếp cận của họ.

Năm 1994, cơ sở sản xuất Xuất Ánh bán sang Đức lô hàng đầu tiên, lập thành tích là người “cõng” đá qua "trời Tây” sớm nhất ở làng đá mỹ nghệ Non Nước-Ngũ Hành Sơn.

Việc xuất hàng đi châu Âu, châu Mỹ của cơ sở liên tục được thực hiện với những hợp đồng kinh tế ngày càng có giá trị lớn, lên đến hàng tỷ đồng. Số mặt hàng cơ sở anh sản xuất ra lên đến con số hàng chục ngàn. Hàng năm, cơ sở sản xuất của anh thu về gần 20 tỷ đồng.

Anh cũng đang đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, nhà trưng bày các sản phẩm điêu khắc theo kiểu Chămpa với số tiền đầu tư lên đến hàng chục tỷ đồng.

Không quên những ngày khốn khó

Trong quá trình mở rộng cơ sở, anh đã mạnh dạn nhận những người còn gặp khó khăn, bố trí việc làm phù hợp cho họ. Anh tận tình chỉ dẫn những ai chưa biết nghề, thậm chí còn cho những người thạo nghề vay vốn để họ sắm thêm đồ nghề để làm ra nhiều sản phẩm và tăng thu nhập.

Hiện nay, cơ sở sản xuất của anh tạo việc làm ổn định cho gần 100 công nhân với thu nhập từ 1,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Không chỉ vậy, cựu chiến binh Trần Xuất tích cực đóng góp vào quỹ nạn nhân da cam, phòng chống lụt bão... cho địa phương và cấp học bổng cho những học sinh nghèo hiếu học.

Từ năm 2005, anh còn nhận 6 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ mỗi em từ 1,2-1,5 triệu đồng/năm và cam kết sẽ hỗ trợ đến lúc các em tốt nghiệp trung học phổ thông.

Cũng trong năm nay cơ sở sản xuất của anh Trần Xuất đón thêm niềm vui khi 2 người thợ từng được anh cưu mang vừa tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Huế. 2 người thợ này đã được anh truyền nghề, nuôi ăn ở, tạo điều kiện để các em ôn thi và hỗ trợ một phần kinh phí để các em đi học./.
Nguyễn Sơn (Vietnam+).

Tin cùng chuyên mục