"Sắc xanh" quay trở lại

"Sắc xanh" quay trở lại các sàn chứng khoán châu Á

"Sắc xanh" đã quay trở lại trên hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán châu Á, nhờ diễn biến tích cực tại phố Wall trong phiên trước.
Trong phiên giao dịch ngày 17/4, "sắc xanh" đã quay trở lại trên hầu hết các sàn giao dịch chứng khoán châu Á, nhờ diễn biến tích cực tại phố Wall trong phiên trước, sau hai ngày mất điểm liên tiếp do bị chi phối bởi số liệu tăng trưởng kinh tế đáng thất vọng của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, báo cáo mới nhất từ Chính phủ Mỹ cho hay hoạt động sản xuất công nghiệp của nước này trong quý 1/2013 đã tăng 5%- mạnh nhất trong vòng 1 năm qua, cũng góp phần hỗ trợ đà đi lên của thị trường chứng khoán châu Á. Tuy nhiên, dư âm từ vụ nổ mới đây tại giải chạy maratông ở thành phố Boston (Mỹ) vẫn tác động tiêu cực tới tâm lý giới đầu tư, qua đó hạn chế sức tăng của một số mã cổ phiếu.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 161,45 điểm, tương đương 1,22%, lên mức 13.382,89 điểm. Ngoài động lực từ thị trường cổ phiếu Mỹ, đà tăng của chứng khoán Nhật Bản còn được thúc đẩy bởi sự suy yếu của đồng yen sau vài phiên tăng giá gần đây. Việc đồng nội tệ "hạ nhiệt" sẽ giúp các nhà xuất khẩu của đất nước "Mặt Trời mọc" có được lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước khác, qua đó giúp các mã cổ phiếu đi lên.

Chỉ số S&P/ASX200 của Australia cũng ghi thêm 53,8 điểm (1,09%), lên 5.004,6 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Seoul của Hàn Quốc, chỉ số Kospi lại biến động không đáng kể so với phiên trước, chỉ "nhích" nhẹ 1,63 điểm, đóng cửa ở mức 1.923,84 điểm.

Tuy nhiên, đi ngược với xu hướng trên, tại Trung Quốc, hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại để tuột mất đà tăng ở đầu phiên để rồi quay đầu giảm vào cuối phiên, do hoạt động mua vào cổ phiếu giá hời không đủ để xua tan nỗi lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc, sau khi Chính phủ nước này công bố báo cáo về tốc độ tăng trưởng thấp hơn dự kiến trong quý I/2013. Khép lại phiên này, chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng lần lượt hạ 1,05 điểm và 102,36 điểm (0,47%), xuống 2.193,80 điểm và 21.569,67 điểm.

Đêm trước (16/4), chia tay với chuỗi hai ngày giảm điểm liên tiếp do tác động tiêu cực từ một loạt các báo cáo kinh tế đáng thất vọng của Mỹ và Trung Quốc, chứng khoán Mỹ đã đảo chiều đi lên, nhờ hoạt động "săn lùng" cổ phiếu giá hời của giới đầu tư, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ xu hướng mua vào.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 157,58 điểm, tương đương 1,08%, lên mức 14.756,78 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 cũng ghi thêm 22,21 điểm (1,43%), lên 1.574,57 điểm; còn chỉ số công nghệ Nasdaq tiến tới 48,14 điểm(1,5%), đóng cửa ở mức 3.264,63 điểm.

Bên cạnh hoạt động mua vào sôi nổi của giới đầu tư sau hai ngày chứng khoán "đỏ sàn," sự đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ trong phiên còn được hỗ trợ bởi báo cáo mới nhất về số lượng nhà mới xây của Mỹ và kết quả kinh doanh khả quan của một số doanh nghiệp lớn như Coca-Cola, Johnson & Johnson.

Tuy nhiên, trong cùng phiên ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu vẫn tiếp tục lùi sâu, đánh dấu phiên giảm điểm thứ ba liên tiếp của thị trường này.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu châu Âu không thể hòa theo đà tăng của Phố Wall chính là chỉ số lòng tin tiêu dùng thấp hơn dự kiến của Đức- nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và triển vọng kinh doanh không mấy sáng sủa của tập đoàn thời trang cao cấp LVMH, dấy lên mối lo ngại về tình hình làm ăn của các doanh nghiệp châu Âu, giữa bối cảnh khu vực này vẫn đang phải vật lộn với những bất ổn tài chính.

Kết thúc phiên, tại London, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,62%, xuống 6.304,58 điểm. Trong khi chỉ số CAC 40 của Pháp cũng hạ 0,67%, xuống còn 3.685,79 điểm, còn tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt của Đức, chỉ số DAX 30 cũng mất 0,39%, chốt ở mức 7.682,58 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục