Nhiều diện tích cao su ở Kon Tum lá rụng bất thường

Thời gian gần đây, các vườn cao su ở Kon Tum xuất hiện hiện tượng lá non rụng bất thường đe dọa tới sản lượng khai thác mủ.
Thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng cao su ở các nông trường cao su thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Kon Tum xuất hiện hiện tượng lá non cao su rụng bất thường đe dọa nghiêm trọng tới sản lượng khai thác mủ của doanh nghiệp.

“Đây là đợt rụng lá lần thứ 4 rồi. Cả nông trường chẳng hiểu chuyện gì nữa. Nếu lá non cứ rụng mãi thì có lẽ cả vườn cây cao su cứu cũng không nổi, chứ nói gì đến chuyện khai thác mủ. Đã sống trong nghề hàng chục năm rồi nhưng đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh lá rụng nhiều lần như vậy” - anh Nguyễn Hữu Lợi-Giám đốc Nông trường cao su la Chim (thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Kon Tum) than thở.

Theo những người trồng cao su tại đây cho biết bình thường cuối tháng Giêng đầu tháng Hai là đến mùa rụng lá của cây cao su. Năm nay cũng vậy, sau khi rụng lá non mọc lại được khoảng 15 đến 20 ngày thì rụng.

Anh Lợi cho biết khi lá non mọc lại thì gặp thời tiết bất thường. Đêm lạnh, sáng lại sương mù bao phủ cả rừng cao su lá lại rụng tiếp và cứ thế. Đây là môi trường thuận lợi cho bào tử phát sinh thành bệnh. Cây nào khỏe thì lá không rụng nhưng cũng quăn queo. Số diện tích cao su bị rụng lá lần 4 chiếm tới 600ha/1.500ha toàn nông trường. Tất cả đều đang kinh doanh.

Theo chân cán bộ kỹ thuật thăm vườn cây thì mới thấy đến giờ dù đã gần tháng Sáu mà lá rụng như ở thời điểm của mùa thu. Sau khi lấy vài mẫu lá kiểm tra, anh Đặng Ưng-Trưởng phòng kỹ thuật của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Kon Tum cho biết việc lá rụng khiến cây không thể quang hợp để tạo mủ được cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe, tăng trưởng vòng quanh (đường kính) của cây. 

Riêng với Nông trường Ia Chim vườn cây cao su bị bệnh khá nặng. Theo anh Ưng, trên mỗi lá rụng ở nơi này tích tụ đến 3 loại bệnh gồm: Di chứng phấn trắng, héo đen đầu lá, corynespora (gây rụng lá). Với nhiều loại bệnh như thế này, dù có cố gắng chăm sóc cùng với thời tiết thuận lợi thì diện tích trên phải trung tuần tháng Sáu mới tiến hành cạo được.

Tuy nhiên theo những người trồng cao su,ì bệnh này không có biện pháp xử lý triệt để vì các loại bệnh này cần phải phun thuốc nhưng hiện tại toàn công ty có 9.200ha vườn cây đã kinh doanh bị bệnh, mỗi cây cao cả 15-20m trở lên nên việc phun thuộc rất khó hiệu quả, trừ vườn cây non, chiều cao thấp. Vì vậy để phun thuốc phải có máy chuyên dụng để phun thuốc, máy phải có áp lực lớn để phun từ đỉnh xuống mà việc này rất khó khả thi vì không đủ phương tiện để làm hết cả chục nghìn hécta cao su.

Vì vậy, hiện tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Kon Tum chủ yếu tập trung tích cực theo dõi diễn biến bệnh để từ đó đề xuất phương pháp điều trị hữu hiệu. Trước mắt, tất cả diện tích cao su đều tăng thêm 30% lượng phân bón so với bình quân hàng năm, tổ chức bón phân cho cây bằng cách đào hố giữ màu đa năng ở giữa các lô cao su. Theo đó mỗi hố sẽ dài 1,5m, sâu 40cm, rộng 0,6m để bón phân vào. Mỗi hécta sẽ đào khoảng 255 hố.....nhằm giúp cây có sức đề kháng, ổn định tầng lá.

Việc lá rụng nhiều khiến hai tháng qua hàng nghìn công nhân cạo mủ không có việc làm đã ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của mọi người vì các công nhân kỹ thuật đều ăn lương theo sản phẩm, mà sản phẩm không có .... Để giúp mọi người đảm bảo ổn định cuộc sống tối thiểu, công ty phải cho công nhân ứng lương bình quân mỗi người 1 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty cũng tổ chức cho các công nhân làm thêm việc như bón phân cho cây, lập thiết kế bản cạo mủ cho năm, trang bị mái che mưa...

Trong khi đó, theo thống kê của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên cao su Kon Tum thì toàn công ty có 9.200ha cao su kinh doanh thì cũng từng đó diện tích bị rụng lá. Nơi ít thì cũng 3 lần như các nông trường: Hòa Bình, Đắk H’Ring, Dục Nông, còn nhiều thì đang rụng lần 4 như Ia Chim, Tân Hưng...

Chính sự bất thường của lá rụng mà gần hai tháng qua, công ty chưa thể cạo được 1 giọt mủ nào, dù bình thường thì sang tháng 4 là cả công ty đã bắt đầu mùa cạo mủ. Theo ông Lê Khả Liễm-Tổng Giám đốc công ty cho biết ước thiệt hại của vụ cạo năm nay khoảng 3.000 tấn mủ quy khô, cùng với chi phí bón thêm phân, công lao động thêm để dọn cỏ, rác...Trước mắt thiệt hại của toàn công ty trong hai tháng qua khoảng 300 tỷ đồng./.

Hoàng Cao Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục