"Khát" trên rốn nước

Hải Dương: Người dân "khát" ngay trên "rốn" nước

Là nơi cung cấp phần lớn nước sạch cho thành phố Hải Dương, song người dân xã Ngọc Liên phải sống chung với nguồn nước ô nhiễm.
Ông Hoàng Kim Bội cầm chén trà có màu đen như nước cống, bảo rằng đã từ lâu không dám dùng nước giếng để ăn.

Cũng như ông, nhiều người dân ở thôn Mỹ Hảo (Ngọc Liên, Cẩm Giàng, Hải Dương) nhiều năm nay phải sống trong tình trạng “khát” nước, dù nơi đây là nguồn nước cung cấp phần lớn lượng nước sinh hoạt cho thành phố Hải Dương.

Kể với phóng viên Vietnam+, ông Bội cho hay trước kia nguồn nước ở xã Ngọc Liên rất sạch và dồi dào. Người dân chỉ cần đào cái giếng khơi ở độ sâu 5-6m là có nước phục vụ sinh hoạt gia đình.

Nhưng, từ năm 2001, Công ty kinh doanh nước sạch Hải Dương đặt các trạm bơm với công suất thiết kế 10.000m3/ngày đêm để hút nước, cung cấp cho thành phố Hải Dương thì các giếng nước dùng cho mọi sinh hoạt của người dân nơi đây dần dần cạn kiệt.

Hết nước, từ khoảng 7 năm nay, người dân phải dùng giếng khoan từ 20-30m để lấy nước sinh hoạt. Thế nhưng, “càng ngày, nước ở các giếng càng có màu vàng đục và có mùi tanh. Thậm chí, có nguồn nước đã được lọc qua cát, đá nhưng vẫn tanh ngòm,” ông Bội bức xúc.

Để minh chứng, ông Bội lấy nước giếng khoan nhà mình ở độ sâu 27m. Không xử lý qua bể lọc, ông đem rót vào chén trà mạn đang dùng để mời khách. Ngay lập tức, màu nước trong chén đổi sang đen như nước cống.

Ông Bội cũng chua chát “khoe” với khách bộ lõi lọc ở máy lọc nước nhà mình. Chỉ sau một tháng sử dụng, lõi chuyển thành màu đen thay vì màu trắng nguyên thủy.

Tình trạng nước bẩn càng khiến cho người dân hoang mang khi ở Ngọc Liên ngày càng nhiều người chết vì bệnh ung thư.

Theo thống kê của cán bộ y tế xã, 5 năm trở lại đây, số lượng người bị ung thư trong địa bàn xã tăng cao, có 27 người tử vong và 11 người đã phát hiện bệnh.

Nếu chỉ tính riêng thôn Mỹ Hảo thì trong 10 năm qua có 28 người mặc bệnh ung thư, đến nay chỉ còn 3 người còn sống. Trung bình, mỗi năm ở thôn phát hiện 2 đến 3 người mắc bệnh ung thư - tỷ lệ cao nhất xã. Cả thôn có 288 hộ gia đình thì có đến 26 hộ có người mắc bệnh.

Nhà ông Bội cũng không ngoại lệ, mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Bấc vừa bị phát hiện ung thư di căn hạch ở cổ được hơn 3 tháng.

Trao đổi với phóng viên Vietnam+, Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Hòe (Trưởng ban phản biện xã hội thuộc Hội bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho hay, không thể khẳng định việc nước bị ô nhiễm liên quan đến việc hút nước.

Theo ông, tác động của việc bơm hút nước của Công ty kinh doanh nước sạch Hải Dương sẽ dẫn tới hiện tượng suy giảm lưu lượng và mực nước ở nơi đang khai thác. Nếu tần suất bơm nước cao, máy bơm sẽ hút nước cả trong những tầng không đảm bảo chất lượng, làm cho lượng nước ở tầng trên thấm xuyên qua tầng chứa nước, gây nhiễm mặn.

Vị chuyên gia này cũng khuyến nghị, để hiểu rõ mức độ ô nhiễm của nước, các cơ quan chức năng phải tiến hành lấy mẫu nước để kiểm tra. Nếu cách xử lý ô nhiễm nước đơn giản và rẻ tiền thì người dân có thể tự xử lý. Nếu không, địa phương phải cấp nước để nhân dân được dùng nước sạch.

Ông Nguyễn Đình Khắc, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Liên cho hay, xã đã phản ánh tình trạng này tới các cấp có thẩm quyền, đề nghị Công ty kinh doanh nước sạch Hải Dương trích đường ống để cung cấp nước sạch cho nhân dân. Nhưng, cho đến nay vẫn chưa có phản hồi./.

Việt Quỳnh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục