Israel tiếp tục can thiệp vào thị trường ngoại hối

BoI sẽ tiếp tục mua vào USD nhằm chặn đà tăng giá của đồng nội tệ, tác nhân ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất khẩu của Israel.
Theo các nhà phân tích, chính sách tăng cường mua vào USD của Ngân hàng Trung ương Israel (BoI) nhằm kìm chế đà tăng giá của đồng shekel so với USD trong những năm gần đây, sẽ không thay đổi trong thời gian tới.

Tuần trước, BoI đã quyết định mua vào 700 triệu USD khi tỷ giá hối đoái của đồng shekel giảm xuống mức thấp kỷ lục 3,56 shekel/USD. Ngay sau đó, đồng shekel đã ổn định trở lại và được giao dịch ở mức 3,6 shekel/USD.

Thống đốc Stanley Fischer cho biết, BoI sẽ tiếp tục mua vào USD nhằm chặn đà tăng giá của đồng nội tệ, tác nhân ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động xuất khẩu của quốc gia này.

Ông Fischer nói: "Ngân hàng Trung ương Israel không phải là một ngân hàng hoạt động vì lợi nhuận. Vì vậy, bảo vệ hoạt động xuất khẩu quốc gia có vai trò quan trọng hơn nhiều so với sụt giảm lợi nhuận từ việc mua và nắm giữ một đồng USD yếu."

BoI chính là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên trên thế giới quyết định mua vào USD, trong bối cảnh thương mại toàn cầu sụt giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Nhà kinh tế Jonathan Katz tại Ngân hàng HSBC, đánh giá mặc dù Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang rất quan tâm tới động thái can thiệp vào thị trường ngoại hối trên quy mô toàn cầu trước nguy cơ nổ ra một cuộc "chiến tranh tiền tệ," song chính sách can thiệp tiền tệ của Ten Avíp có thể sẽ không nằm trong "tầm ngắm" của IMF do Israel là một nền kinh tế nhỏ và không ảnh hưởng quá nhiều tới những nền kinh tế chủ chốt.

Theo chuyên gia Katz, có ít nhất ba nhân tố thúc đẩy đồng shekel tăng giá so với USD là thặng dư tài khoản vãng lai, nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu tăng mạnh hơn.

Dự đoán về tỷ lệ lãi suất của Israel, ông Katz cho rằng BoI sẽ tiếp tục tăng lãi suất do bong bóng bất động sản và dấu hiệu tỷ lệ lạm phát gia tăng./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục