Tăm tre ngoại "lấn sân" tăm nội trên sân nhà

Các doanh nghiệp trong nước gần đây đã "ồ ạt" nhập khẩu tăm tre và trên thị trường, tăm "ngoại" đã lấn sân cả về giá cả và mẫu mã.
Theo Chi cục Hải quan Sài Gòn khu vực 1, thời gian gần đây, các doanh nghiệp trong nước đang "ồ ạt" nhập khẩu tăm tre về Việt Nam.

Chỉ tính riêng tháng 8/2010, cảng Cát Lái đã có gần 200 tấn tăm tre được nhập về. Nguồn gốc của số hàng tăm tre này chủ yếu từ Trung Quốc.

Theo thống kê của Chi cục, tám tháng đầu năm 2010, các doanh nghiệp đã nhập về khoảng 911 tấn tăm tre, với kim ngạch khoảng 125.000 USD. Giá chưa tính thuế của 1 tấn tăm nhập khẩu vào khoảng 2,6 triệu đồng, rẻ hơn một nửa so với tăm trong nước sản xuất.

Do giá rẻ hơn nên nhiều tiểu thương chọn tăm nhập khẩu để bán lẻ vì có thể lời tới 50%. Trên thị trường hiện nay, giá bán tăm tre nhập khẩu thấp hơn tăm tre sản xuất trong nước.

Dạo quanh các chợ chuyên bán buôn, bán lẻ tăm tre trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như chợ Bình Tây, chợ An Đông (quận 5), chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh)… có thể nhận thấy tăm nhập khẩu đang "lấn sân" tăm sản xuất trong nước về cả giá, sự đa dạng và mẫu mã. Tăm ở đây có đủ giá, giá thấp nhất từ 2.300 đồng/10 gói đến 23.000 đồng/10 gói.

Đa số tăm ở các chợ trên được các tiểu thương trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng… lấy về bán lẻ.

Tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Coopmart, hầu hết tăm được bày bán có xuất xứ trong nước. Đó là sản phẩm của Công ty Hiền Hà (Tân Bình, với chữ "toopi" cách điệu) có giá từ 19.800-21.000 đồng/10 gói, Công ty tăm Á Đông (Hà Nội, với chữ "Vip" trên sản phẩm) có giá 200.000 đồng/10 gói…

Tuy nhiên, không nhiều nhãn hiệu tăm tre sản xuất trong nước "lọt" vào các siêu thị hoặc cửa hàng bán lẻ.

Tại siêu thị Maximark Cộng Hòa (quận Tân Bình), tăm tre xuất xứ Trung Quốc được bán chung với tăm tre trong nước, với giá 39.000 đồng/10 gói.

Chị Lan Hương, ở quận Tân Bình, cho biết: “Mặc dù cũng muốn ủng hộ hàng Việt Nam nhưng nhìn cây tăm của mình làm xấu quá, sần sùi, lại trông... không sạch, đẹp cho lắm. Trong khi đó, tăm Trung Quốc thì nuột nà, sạch đẹp hơn rất nhiều. Không biết là tăm Trung Quốc có độc hay không chứ mình thì thấy cái gì đẹp và trông sạch sẽ là chọn."

Theo đại diện doanh nghiệp tư nhân Tre Việt (thị trấn Madagui, Đạ Huoai, Lâm Đồng), sở dĩ giá tăm trong nước cao hơn vì sử dụng công nghệ lạc hậu, có khi chủ yếu lại làm bằng thủ công nên mất nhiều chi phí trả lương cho nhân công. Với tăm ngoại, họ sử dụng công nghệ hiện đại để sản xuất hàng loạt nên giá thành rẻ hơn, sản phẩm làm ra cũng đẹp hơn.

Có một thực tế là hiện nay do tăm tre Trung Quốc có mẫu mã đẹp và giá cả khá thấp nên một số doanh nghiệp đã nhập khẩu tăm tre của Trung Quốc về, sau đó họ cho vào bao bì của cơ sở trong nước để "biến" tăm nhập khẩu thành tăm sản xuất trong nước.

Đây là cách làm vừa không tốn nhiều công lao động, không phải đầu tư nhà xưởng, máy móc và "lãi" hơn rất nhiều so với một doanh nghiệp làm bài bản. Chính những hình thức này, đã "giúp" tăm nhập khẩu dần "loại" tăm sản xuất trong nước ra khỏi sân nhà./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục