Long An quy hoạch làng nghề cho lao động nông thôn

Long An hiện đã quy hoạch 15 làng nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm lao động ở nông thôn và giữ nét văn hóa địa phương.
Tỉnh Long An hiện đã quy hoạch 15 làng nghề và cụm làng nghề truyền thống để tạo công ăn việc làm lao động ở nông thôn và giữ nét văn hóa đặc trưng của địa phương.

Theo quy hoạch đến năm 2020, tỉnh Long An chuyển 31.000ha đất sản xuất nông nghiệp sang xây dựng phát triển công nghiệp, dự kiến có khoảng 620.000 lao động trong nông nghiệp mất việc làm.

Để nhằm tạo công ăn việc làm cho lao động ở nông thôn, tỉnh Long An đã quy hoạch 15 làng và cụm làng nghề truyên thống.

Làng nghề chầm nón, đan mây, tre trúc, bao đệm bàng ở xã Tân Mỹ, Lộc Giang, An Ninh Đông, Hiệp Hòa, Tân Phú (huyện Đức) thu hút từ 20.000 đến 30.000 lao động dôi dư ra từ nông nghiệp.

Làng nghề đan bao đệm bàng ở xã Mỹ Quý Tây, Mỹ Quý Đông giải quyết việc làm cho từ 3.000 đến 4.000 lao động (huyện Đức Huệ).

Làng dệt chiếu ở xã An Nhựt Ninh, Mỹ Bình, Lạc Tấn (huyện Tân Trụ), Nhựt Chánh, Bình Nhựt, An Thạnh thu hút hơn 30.000 lao động (huyện Bến Lức); cụm làng nghề rèn nông cụ sản xuất nông nghiệp, đan bao dệm bàng ở xã Nhị thành và thị trấn Thủ Thừa (huyện Thủ Thừa) tạo công ăn việc làm cho 5.000 lao động.

Tỉnh Long An trích ngân sách hỗ trợ các làng nghề xúc tiến thương mại giới thiệu các sản phẩm làng, cụm làng nghề truyền thống phục vụ xuất khẩu.

Liên minh hợp tác xã tỉnh phối hợp với Sở Công Thương tổ chức xây dựng gần 200 tổ sản xuất, tổ liên kết và hợp tác xã ở các làng nghề, cụm làng nghề, tổ chức dạy nghề truyền thống gần 2.000 lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm.

Tỉnh Long An trích ngân sách hỗ trợ cho các làng, cụm làng nghề hàng chục tỷ đồng mua trang thiết bị sản xuất.

Hiện nay, Hội nông dân, Hội phụ nữ tích cực xây dựng quỹ tương trợ hơn 10 tỷ đồng để giúp cho những hộ nghèo tham gia làng nghề, cụm làng nghề 5 triệu đồng mua nguyên liệu về sản xuất.

Ngoài ra, tỉnh Long An quy hoạch dành gần 2.500ha đất bưng vùng ngập lụt không sản xuất được lúa ở các huyện Đức Hòa, Đức Huệ và Thủ Thừa để trồng bàng và gần 1.000ha ở các huyện Cần Đước, Tân Trụ, Bến Lức nằm dọc theo sông Vàm Cỏ Đông tận dụng trồng lát và 500ha trồng tre, trúc ở huyện Đức Hòa và Đức Huệ để đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các làng nghề, cụm làng nghề sản xuất phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu./.

Thanh Tuấn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục