Bão có thể là một nguyên nhân gây động đất

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện 20 cơn địa chấn chậm, trong đó có tới 11 cơn địa chấn xảy ra trùng với thời điểm các cơn bão lớn.
Nhà địa chất của Viện Khoa học Carnegie, Mỹ, Tiến sĩ Alan Linde cùng các đồng nghiệp đã tiến hành theo dõi sự chuyển động của hai mảng kiến tạo địa tầng ở phía đông hòn đảo Đài Loan bằng những thiết bị đo độ giãn.

Các thiết bị được chôn sâu dưới lòng đất này có khả năng phát hiện những chuyển động ở bên dưới mặt đất mà con người không cảm nhận được. Ngoài ra, chúng còn theo dõi được sự biến dạng của đá do sự va chạm giữa các mảng kiến tạo địa tầng tạo nên.

Các nhà nghiên cứu này đã phát hiện 20 cơn địa chấn chậm - nghĩa là chúng kéo dài vài giờ đến hơn một ngày. Trong số này có tới 11 cơn địa chấn xảy ra trùng với thời điểm xảy ra các cơn bão lớn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng sự trùng hợp này chắc chắn phải tuân theo một quy luật, chứ không phải ngẫu nhiên.

Tiến sĩ Alan Linde cho rằng: "Rất hiếm khi chúng ta chứng kiến được hiện tượng trùng hợp với xác suất cao như vậy về thời gian giữa động đất và bão. Các mảng kiến tạo địa tầng di chuyển nhanh đến mức chúng có thể tạo ra những quả núi với tốc độ xấp xỉ 4 mm mỗi năm".

Tuy nhiên, trong khu vực này rất ít khi xảy ra động đất cực mạnh, mà chỉ có một số trận động đất mạnh mà thôi.

Hai mảng kiến tạo địa tầng tại vùng lõm Nankai ở phía Tây Nam Nhật Bản cũng đã va vào nhau và tạo thành núi với tốc độ  4 mm mỗi năm.

Mặc dù vậy, cứ khoảng 100 đến 150 năm, tại đây lại xảy ra động đất mạnh từ 8 độ Richter trở lên. Tình trạng này đã không xảy ra ở Đài Loan.

Tiến sĩ Linde cho rằng, trên thực tế, hai mảng kiến tạo địa tầng ở phía Đông Đài Loan chính là hai lớp ở vùng lõm Nankai của Nhật Bản. Vì vậy, số lượng các trận động đất mạnh tại hai vùng khác hẳn nhau.

Khi một cơn bão lớn di chuyển qua đất liền, nó sẽ làm giảm áp suất không khí trên mặt đất. Mặc dù mức độ thay đổi áp suất là khá nhỏ, nhưng nó vẫn đủ sức làm cho các vết nứt địa chất trở nên rộng hơn, và khiến các mảng kiến tạo địa tầng di chuyển. Nếu một vết nứt nào đó đã đủ rộng, sự xuất hiện của bão sẽ gây ra động đất.

Tuy nhiên, những cơn địa chấn này diễn ra chậm đến mức con người hầu như không thể cảm nhận được. Thậm chí nhóm nghiên cứu còn cho rằng chúng đã làm giảm số lần xuất hiện và cường độ của những trận động đất mạnh./.
(KH&CN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục