Chứng khoán châu Á đồng loạt quay đầu giảm giá

Chứng khoán châu Á quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 31/10, sau khi tăng điểm ấn tượng nhờ thỏa thuận cứu trợ Eurozone.

Chứng khoán châu Á quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày 31/10, sau khi tăng điểm ấn tượng nhờ thỏa thuận cứu trợ Eurozone trong tuần trước, do các nhà đầu tư đang chú ý nhiều hơn đến chi tiết của thỏa thuận này.

Thỏa thuận cứu trợ Eurozone mới đạt được tại hội nghị thượng đỉnh của Liên minh châu Âu (EU) đã có tác động rất tích cực lên các thị trường toàn cầu trong tuần qua, song các nhà đầu tư hiện chờ đợi việc thực hiện thỏa thuận này.

Chiến lược gia Mitul Kotecha ở Credit Agricole cho rằng cho đến khi các nhà đầu tư chưa rõ về các chi tiết của thỏa thuận, đặc biệt là nguồn ngân quỹ cho việc thực hiện các giải pháp được đưa ra, thì hoạt động mua vào các tài sản rủi ro sẽ khó kéo dài.

Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm 1,7%. Tuy nhiên, chỉ số này vẫn khép lại tháng 10 với mức tăng điểm cao nhất kể từ tháng 5 là 12%, trong đó chỉ số Hang Seng của Hong Kong và Shanghai Composite của Thượng Hải đều có mức tăng trong tháng cao nhất trong 2 năm rưỡi.

Chốt phiên, chỉ số S&P/ASX200 của Australia giảm 55,2 điểm, hay 1,27%, xuống 4.298,1 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 20,45 điểm, hay 1,06%, xuống 1.909,03 điểm. Chỉ số Hang Seng giảm 154,37 điểm, hay 0,77%, xuống 19.864,87 điểm. Chỉ số Nikkei-225 của Nhật Bản giảm 62,08 điểm, hay 0,69%, xuống 8.988,39 điểm. Chỉ số weighted của Đài Loan giảm 28,37 điểm, hay 0,37%, xuống 7.587,69 điểm. Chỉ số Shanghai Composite giảm 5,16 điểm, hay 0,21%, xuống 2.468,25 điểm.

Trong tuần này, các thị trường tập trung chú ý vào các cuộc họp bàn chính sách của các ngân hàng trung ương Mỹ, châu Âu và Australia, và hội nghị thượng đỉnh của G20, với trọng tâm là các nỗ lực chung nhằm ổn định các thị trường tài chính toàn cầu. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi thông tin về số liệu việc làm và lĩnh vực chế tạo của Mỹ cùng với chỉ số quản lý thu mua của Trung Quốc sẽ được công bố trong tuần này để có thể nhận định về tình hình của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Theo nhà chiến lược trưởng ở JPMorgan Chase, Junya Tanase, các tài sản rủi ro vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư, khi tiếp theo đợt mua vào trên các thị trường chứng khoán toàn cầu sau hội nghị thượng đỉnh EU, có những yếu tố khác đang giữ vững niềm tin của các nhà đầu tư như những hy vọng về kinh tế Mỹ sẽ cải thiện, với lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ không gây thất vọng.

Nếu các số liệu công bố tuần này không cho thấy những dấu hiệu rõ ràng về sự "hạ cánh khó nhọc" của kinh tế Trung Quốc hay nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ, động lực cho việc mua vào các tài sản rủi ro sẽ vẫn được duy trì.

Theo một báo cáo mới công bố, kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,5% trong quý III năm nay, giúp làm dịu bớt lo ngại về nguy cơ kinh tế Mỹ đang cận kề một cuộc suy thoái mới, song mức tăng trưởng này vẫn là chưa đủ để hạ tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao./.

Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục