Đẩy nhanh tiến độ đề án ổn định dân cư Mường Nhé

Mục tiêu của đề án đến năm 2015, huyện Mường Nhé nâng thu nhập đầu người lên 550.000 đồng/người/tháng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 50%.
Ngày 7/6, Đoàn khảo sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn do ông Phạm Khánh Ly, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn dẫn đầu đã có buổi làm việc với tỉnh Điện Biên về thực hiện đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015.

Tháng 1/2012, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án sắp xếp, ổn định dân cư, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh huyện Mường Nhé đến năm 2015”, gọi tắt là Đề án 79.

Đề án 79, tức giai đoạn 2 của đề án 141 cũ được Chính phủ phê duyệt đầu năm 2008. Thực hiện đề án 79 sẽ là tiền đề để Mường Nhé, huyện có diện tích đất tự nhiên lớn nhất tỉnh Điện Biên thay da đổi thịt, ổn định đời sống, phát triển kinh tế nhân dân ở vùng cao biên giới.

Ông Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Mường Nhé cho biết nguồn kinh phí để thực hiện đề án 79 là 1.500 tỷ đồng, trong đó hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hơn 400 tỷ đồng hỗ trợ sản xuất, xây dựng nhà ở cho người dân.

Với đề án 79, mỗi hộ gia đình sẽ được hỗ trợ 26,4 triệu đồng từ ngân sách nhà nước để xây dựng nhà ở và sản xuất.

Theo quy hoạch, đề án 79 ổn định đời sống cho gần 11.000 hộ với hơn 62.000 nhân khẩu, thuộc 153 bản và 14 nhóm dân cư Mường Nhé; tiến hành thành lập mới 31 bản , thực hiện di dân, sắp xếp chỗ ở mới cho hơn 900 hộ gia đình, trong đó đa phần là người dân tộc Mông từ các huyện trên địa bàn tỉnh Điện Biên và ở các tỉnh Tây Bắc, Đông Bắc di cư đến đây.

Đến nay đã có gần 700 hộ gia đình tự nguyện đăng ký di chuyển.

Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã phê duyệt quyết định thành lập mới 25 bản, trong đó có 14 bản thuộc đề án 141 cũ và 11 bản thuộc đề án 79; tổ chức thực hiện, hoàn thành sắp xếp dân cư ở 6 bản, gần 500 hộ đã được hỗ trợ di chuyển và làm nhà tại nơi quy hoạch.

Những bản đã được sắp xếp, ổn định dân cư theo đề án 141 cũ và nay là đề án 79 đã cho thấy sự thành công bước đầu, như bản Nậm Pố, thuộc xã Mường Nhé. Đây là bản bao gồm 4 điểm bản Nậm Pố 1, 2, 3, 4 với hơn 350 hộ dân đang sinh sống trong những căn nhà mới xây khang trang.

Giao thông liên bản được xây dựng bài bản, thuận lợi; bản có 5 điểm trường với 4 điểm trường được xây dựng quy mô; đường điện và nước sạch đã về đến từng hộ gia đình.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc vận động người dân di cư vào các bản thành lập mới gặp nhiều khó khăn do tập tục của người Mông vẫn quen sống cách ly trên núi cao với nền kinh tế tự cung tự cấp.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Khánh Ly, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn cho rằng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tự nguyện đăng ký vào các bản xây dựng mới theo đề án 79. Xây dựng một số mô hình sản xuất trọng điểm, tiến hành đào tạo nghề ở các điểm bản tập trung để người dân có việc làm đồng thời đẩy nhanh việc giao đất giao rừng cho người dân quản lý, giúp người dân có ý thức bảo vệ rừng.

Hiện nay, tại Mường Nhé tỷ lệ hộ nghèo ở các khu vực có dân di cư tự do còn cao (chiếm gần 60%), thu nhập bình quân đầu người còn rất thấp, ước đạt gần 280.000 đồng/người/tháng.

Mục tiêu của đề án 79 là đến năm 2015, toàn huyện có gần 12.000 hộ với hơn 67.000 nhân khẩu phân bố tại 210 bản định canh, định cư, nâng cao thu nhập cho từng hộ gia đình; nâng thu nhập bình quân đầu người lên khoảng 550.000 đồng/người/tháng; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống 50%./.

Xuân Tư (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục