Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật cải cách ngành tư pháp

Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một dự luật gây nhiều tranh cãi nhằm siết chặt quyền kiểm soát của chính phủ đối với ngành tư pháp.

Với 210 phiếu ủng hộ và 28 phiếu chống, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 15/2 đã thông qua một dự luật gây nhiều tranh cãi nhằm siết chặt quyền kiểm soát của chính phủ đối với ngành tư pháp - vốn là nguyên nhân dẫn đến làn sóng biểu tình phản đối ở nhiều thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua.

Sau phiên thảo luận căng thẳng kéo dài 20 giờ, dự luật cải cách ngành tư pháp liên quan đến Hội đồng Thẩm vấn và Công tố tối cao (HSYK) được thông qua, theo đó cho phép Chính phủ có nhiều tiếng nói hơn trong việc bổ nhiệm các thẩm phán và công tố viên.

Trước đó, Chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đề xuất dự luật cải cách ngành tư pháp trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành cuộc điều tra tham nhũng nhằm vào một số nhân vật thân cận với Thủ tướng, trong đó bao gồm cả con trai ông.

Động thái này ngay lập tức vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phe đối lập, sự quan ngại từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), cũng như làn sóng biểu tình đòi ông Erdogan từ chức.

Các nhân vật chỉ trích Thủ tướng cho rằng dự luật mới thực tế nhằm ngăn chặn việc mở rộng cuộc điều tra tham nhũng đang đẩy nội các của ông Erdogan vào tình trạng khủng hoảng, trong khi Chính phủ của ông Erdogan coi đây động thái bôi nhọ hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trước thềm cuộc bầu cử.

HSYK coi dự luật trên là vi hiến, và cuộc thảo luận gần đây tại Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về dự luật mới này thậm chí đã biến thành cuộc ẩu đả giữa các chính khách tham dự.

Để có hiệu lực, dự luật trên phải được Tổng thống Tổng thống Abdullah Gul ký thành luật./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục