Từ Đà Nẵng trở vào dự báo sẽ lại có dịch tai xanh

Ngày 24/8, Quyền Cục trưởng Cục Thú y nhận định các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào phía Nam dự báo sẽ có dịch tai xanh trong thời gian tới.
Các tỉnh từ Đà Nẵng trở vào phía Nam dự báo sẽ có dịch tai xanh trong thời gian tới. Đó là nhận định của ông Hoàng Văn Năm, Quyền Cục trưởng Cục Thú y tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm ngày 24/8, tại Hà Nội.

Hiện nay, tại phía Nam diễn bến dịch tai xanh hết sức phức tạp, dịch vẫn đang có chiều hướng lan rộng, trong hai tuần qua đã có 560 xã thuộc 79 huyện của 10 tỉnh phát sinh các ổ dịch tai xanh. Tổng số lợn mắc bệnh thêm là hơn 163.000 con, trong đó số tiêu hủy hơn 92.500 con.

Như vậy, đến thời điểm này có tới 26 tỉnh có dịch tai xanh chưa qua 21 ngày. Tổng số lợn mắc bệnh tai xanh đã lên tới hơn 243.000 con trong tổng đàn hơn 347.400 con.

Về nguyên nhân để dịch tai xanh lây lan trên diện rộng, ông Hoàng Văn Năm thừa nhận tại các địa phương, người chăn nuôi khi thấy lợn sốt cao, bỏ ăn đã tự mua thuốc về chữa và bệnh có triệu chứng giảm thì đã bán ra thị trường để thu vốn…

Địa phương thì lơ là, chủ quan, đã phát hiện dịch chậm, đến khi phát hiện thì dịch đã ở mức độ nguy hiểm và lây lan trên diện rộng. Do đó, khi dịch đã lây lan rộng không phát hiện được nguồn gốc xảy ra dịch thì chống cũng không được, đã dẫn đến tình trạng dịch lây lan rộng như hiện nay.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Diệp Kỉnh Tần cũng cho rằng tại khu vực phía Nam, dịch tai xanh không chỉ dừng lại ở 23 tỉnh mà còn có khả năng tiếp tục lây lan vì vậy cần kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, triển khai đồng bộ các giải pháp, không chỉ đặt các chốt kiểm dịch tại địa phương mà cần đặt tại trục đường chính như Đà Nẵng, đường Hồ Chí Minh để tránh tình trạng vận chuyển lợn bệnh từ Nam ra Bắc.

Cũng theo Thứ trưởng Tần, một trong những nguyên nhân làm lây lan dịch tai xanh là việc vẫn xảy ra tình trạng vứt xác lợn ra đường cũng như vận chuyển ngược lợn bệnh từ Nam ra Bắc mặc dù nhà nước đã có chính sách hỗ trợ tiêu hủy lợn bệnh từ 22.000-25.000 đồng/kg (giá này gần tương đương với giá thị trường). Cục Thú y cần yêu cầu địa phương tích cực tuyên truyền, công khai, minh bạch các cơ chế chính sách hỗ trợ tiêu hủy khi xảy ra dịch đến người dân.

Một vấn đề được coi là nghịch lý cũng cần nghiên cứu, xem xét là việc khi xảy ra dịch thì chỉ người chăn nuôi đăng ký mới được hỗ trợ tiêu hủy, do đó phải bằng cách nào đó để người chăn nuôi khi xảy ra dịch đều được hỗ trợ thì người dân mới khai báo và có ý thức phòng chống dịch như vậy mới tránh được tình trạng dịch lây lan trên diện rộng.

Trước mắt, để phòng chống dịch, Cục Thú y đã tiếp nhận 200.000 liều vắcxin tai xanh do Trung Quốc viện trợ, hiện Cục đang chỉ đạo các đơn vị liên quan tiến hành kiểm nghiệm, đồng thời xin phép Bộ thực hiện khảo nghiệm và thử nghiệm trên diện hẹp, nếu kết quả tốt có thể triển khai ngay trên diện rộng.

Hiện nay, năm loại vắcxin phòng bệnh tai xanh hiệu quả không cao chỉ đạt 50-60% nên biện pháp tối ưu vẫn là tiêm phòng các bệnh nguy hiểm khác ở lợn và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học./.

Thu Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục