Công nghiệp chế tạo ở Eurozone liên tục sụt giảm

Hoạt động của ngành công nghiệp chế tạo tại Eurozonetiếp tục sụt giảm mạnh trong tháng 10 và là tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp.
Hoạt động chế tạo tại Eurozone trong tháng 10 vừa qua tiếp tục xấu đi khi lĩnh vực chế tạo của nền kinh tế đầu tàu khu vực là Đức bị sa sút lần đầu tiên trong hơn hai năm qua, làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế đang cận kề.

Theo kết quả khảo sát 3.000 doanh nghiệp chế tạo trong Eurozone vừa được Công ty nghiên cứu thị trường Markit công bố, chỉ số quản lý thu mua (PMI) đã giảm xuống 47,1 điểm vào tháng 10, đánh dấu tháng sụt giảm thứ ba liên tiếp. Con số đó không chỉ giảm so với mức 48,5 điểm trong của tháng trước, mà còn thấp hơn ước tính 47,3 điểm của thị trường. Chỉ số PMI là thước đo chủ đạo hoạt động trong tương lai với ngưỡng trên 50 là tăng trưởng và dưới 50 là thu hẹp.

Theo thống kê, tại Đức chỉ số PMI, động lực thúc đẩy sự phục hồi kinh tế của Eurozone, đã giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9/2009 khi rớt xuống 49,1 điểm. Tại Áo và Hà Lan, tốc độ sụt giảm của chỉ số PMI đã ở mức nhanh nhất trong 27 tháng qua, trong khi chỉ số PMI của Đức rơi vào vùng đỏ tháng thứ ba liên tiếp.

Tốc độ đi xuống của chỉ số PMI không chỉ tăng tốc nhanh ở Hy Lạp, đất nước đang là tâm điểm của cuộc khủng hoảng nợ Eurozone, mà còn cả ở Italy, nước có thể sẽ là nạn nhân tiếp theo cần tới cứu trợ nước ngoài.

Nhà kinh tế trưởng Rob Dobson từ Markit cho rằng chỉ số PMI mới nhất của lĩnh vực chế tạo càng cho thấy rõ sự đảo chiều của một lĩnh vực được coi là điểm sáng trong tiến trình phục hồi kinh tế.

Sản lượng, đơn hàng mới và đơn hàng xuất khảu mới tất cả đều giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ giữa năm 2009 do nhu cầu của các thị trường Eurozone sa sút, khủng hoảng nợ công vẫn dai dẳng và triển vọng u ám của kinh tế toàn cầu.

Các tín hiệu yếu kém đang trở nên rõ nét hơn không những ở các nước ngoại vi mà còn lan sang cả các nền kinh tế hạt nhân, trong đó chỉ số PMI của Đức cũng lọt vào nhóm "cầm đèn đỏ"./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục