Đừng để "của quý" trong hòm!

Khai thác thế mạnh bảo tàng để thu hút khách du lịch

Cần liên kết du lịch và bảo tàng để quảng bá đất nước-con người bằng ngôn ngữ bảo tàng, tránh tình trạng có "của quý" chỉ để trong... hòm.
Sáng nay, 21/3, tại Hà Nội, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp với Vụ Lữ hành-Tổng cục Du lịch tổ chức buổi tọa đàm với các doanh nghiệp lữ hành nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác và tạo sự gắn kết giữa hai bên trong việc thu hút khách nước ngoài tới Bảo tàng.

Đây cũng là hoạt động tiếp tục triển khai đề án “Tằng cường gắn kết các bảo tàng với hoạt động Du lịch” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo.

Mở cửa trở lại từ tháng 10/2010 sau hơn bốn năm chỉnh lý hệ thống trưng bày thường xuyên, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam nay đã khoác lên mình một diện mạo mới, chuyển đổi tính chất từ Bảo tàng lịch sử văn hóa sang Bảo tàng Giới hiện đại và độc đáo.

Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nguyễn Thị Bích Vân chia sẻ “cuộc cách mạng” này nhằm mong muốn giới thiệu và quảng bá truyền thống lịch sử và văn hóa của phụ nữ Việt Nam với bạn bè trong nước và quốc tế.

Theo đó, Bảo tàng đã được chuyên gia Pháp trực tiếp thiết kế với ba chủ đề trưng bày: phụ nữ trong gia đình, phụ nữ trong lịch sử và thời trang nữ thể hiện sinh động các nghi lễ, phong tục hôn nhân, sinh đẻ, tổ chức cuộc sống gia đình, trang phục truyền thống và những câu chuyện về người phụ nữ anh hùng trong thời kỳ kháng chiến…

Bà Vân cũng cho biết Bảo tàng đang sở hữu một kho hiện vật giá trị với trên 25 nghìn hiện vật và hơn 10 nghìn tư liệu hình ảnh.

Đại diện nhiều đơn vị Lữ hành Hà Nội cũng đánh giá cao cách bài trí và thiết kế mới của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Là nơi giúp du khách tiếp cận, tìm hiểu dễ nhất về nếp sống và bản sắc văn hóa của phụ nữ Việt các vùng miền, nhưng Bảo tàng cũng là điểm đến kén chọn khách tham quan.

Giám đốc Vietran Tour Lại Quốc Cường cũng đưa ra gợi ý Bảo tàng nên đưa thêm vào không gian trưng bày nhiều hoạt động mang tính "động” hơn nữa để tạo sức hút và điểm nhấn văn hóa. Những hoạt động này có thể là chuỗi quy trình dệt vải thủ công với nghệ nhân thật hay những canh hát ca trù, nhằm làm sinh động thêm.

Đặc biệt, theo ý kiến của một số chuyên gia, việc ban quản lý Bảo tàng dành cả một không gian lớn trưng bày những hiện vật và hình ảnh hầu đồng quả là… liều. Bởi, đây là loại hình văn hóa tín ngưỡng dân gian vẫn đang gây nhiều tranh cãi ngay trong giới nghiên cứu chuyên môn.

Còn Cục Phó Cục Di sản Nguyễn Hữu Toàn thì cho rằng, việc du lịch liên kết với bảo tàng là cách quảng bá hình ảnh đất nước và con người hiệu quả bằng ngôn ngữ bảo tàng.

“Chúng ta có ‘của quý’ thì không nên để trong ‘hòm’ mà hãy mở ra cho bạn bè quốc tế biết đến,” ông Toàn nói./.

Xuân Mai (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục