Đề xuất nhiều giải pháp nâng cao giá trị cá tra Việt Nam

Nhiều ý kiến đề xuất nâng cao giá trị cá tra Việt Nam đã được đưa ra tại hội thảo diễn ra ngày 19/12 ở Cần Thơ.
Chế biến cá tra xuất khẩu. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 19/12, tại Cần Thơ, Hiệp hội Cá tra Việt Nam phố hợp với Tổng cục Thủy sản và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ tổ chức hội thảo với chủ đề “Phát triển thị trường và nâng cao giá trị gia tăng cá tra Việt Nam.”

Phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Phú Son, Đại học Cần Thơ cho rằng, trong quá trình sản xuất và tiêu thụ cá tra, công tác quy hoạch, dự báo chưa tốt, sản xuất còn nhỏ lẻ, thiếu hệ thống thông tin thị trường, giá đầu ra còn bấp bênh, mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn bất cập.

Để khắc phục những khó khăn trên, ông Nguyễn Huy Điền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đề xuất Nhà nước cần điều chỉnh cơ chế liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại đối với cá tra giai đoạn 2014-2020. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định về quản lý và tiêu thụ cá tra; ban hành chính sách xây dựng các trung tâm phân phối, kênh phân phối hàng thủy sản trong ngoài nước; thành lập quỹ xúc tiến thương mại cá tra.

Ông Võ Hùng Dũng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam kiến nghị, Nhà nước cần xây dựng hệ thống thông tin đủ sức cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, đầy đủ, minh bạch các vấn đề liên quan đến sản xuất, tiêu thụ cá tra; thể chế mối quan hệ giữa doanh nghiệp và người nuôi thông qua hợp đồng cũng như cơ chế tín dụng ngân hàng.

Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần đầu tư chiều sâu cải thiện chất lượng con giống và xây dựng thương hiệu cá tra vì đây là hai khâu còn yếu kém.

Các tỉnh cũng cần phối hợp với ngành ngân hàng xử lý nợ xấu, tái cấu trúc vốn cho vay sản xuất, tiêu thụ cá tra. Trong hai năm 2014-2015, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần tăng cường chất lượng 3 khâu là giống, nuôi và chế biến; hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước.

Theo ông Nguyễn Phú Son, để tránh tình trạng tranh cãi khi thực hiện hợp đồng, trong hợp đồng ký giữa doanh nghiệp và người nuôi, cần quy định rõ tiêu chuẩn chất lượng cá, kích cỡ, các chất kháng sinh được phép sử dụng.

Đối với cơ quan quản lý, cần quy hoạch vùng nuôi cá sạch, ấn định sản lượng cá cho từng vùng nuôi để người nuôi có kế hoạch sản xuất phù hợp; cung cấp cá giống đạt tiêu chuẩn chất lượng cho người nuôi; phổ biến rộng rãi quy trình nuôi cá tra đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; phối hợp với ngành ngân hàng nới lỏng các điều kiện cho vay mới nhằm khắc phục tình trạng thiếu vốn nuôi trầm trọng hiện nay.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam dự báo: năm 2014, dự kiến kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam giảm khoảng 5% so năm 2013 nhưng nhìn chung mua cá tra vẫn là sự lựa chọn của người tiêu dùng nước ngoài do giá cả phải chăng, trong đó nhu cầu tiêu dùng tại châu Á, Mỹ Latinh sẽ không thay đổi.

Trong khi nguồn cung cá tra trong nước ít đi nên khuynh hướng là giá cá tra xuất khẩu sẽ không giảm mà còn tăng. Vì vậy, các doanh nghiệp và người nuôi nếu ứng dụng các biện pháp sản xuất, kinh doanh khoa học, hợp lý hơn thì sẽ thoát khỏi tình trạng không lãi như hiện nay.

Tính đến cuối tháng 11/2013, diện tích nuôi cá tra tại đồng bằng sông Cửu Long là 4.679 ha, chỉ bằng 87% so cùng kỳ năm 2012. Trong đó đã thu hoạch 3.638 ha, sản lượng 1 triệu tấn. Ước giá trị xuất khẩu năm 2013 đạt 1,8 tỷ USD. Tuy nhiên, việc sản xuất và tiêu thụ cá tra hiện vẫn chưa hết khó khăn.

Giá cá tra bán ra liên tục giảm, giá thành sản xuất tăng làm người nuôi không có lãi. Lãi suất ngân hàng còn cao làm doanh nghiệp lẫn người nuôi gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh cá tra./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục