Dòng vốn FDI Nhật chảy vào Trung Quốc chậm dần

Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao căng thẳng, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Nhật Bản chảy vào Trung Quốc đang chậm dần.
Trong bối cảnh quan hệ ngoại giao Nhật-Trung đang căng thẳng do vấn đề tranh chấp lãnh thổ, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Nhật Bản chảy vào Trung Quốc đang chậm dần.

Thời gian gần đây, dòng vốn này đã chảy mạnh sang các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á và Nam Mỹ cùng với một số nước phát triển ở Bắc Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, có nhiều dấu hiệu cho thấy các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn chưa sẵn lòng từ bỏ thị trường Trung Quốc béo bở, lớn nhất thế giới.

Chảy mạnh vào các nền kinh tế mới nổi

Theo thống kê của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO), năm 2011, tổng vốn đầu tư trực tiếp ra ngoài nước của Nhật Bản lên tới 115,7 tỷ USD, tăng 102,2% so với năm 2010. Đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua vốn đầu tư trực tiếp ra ngoài của Nhật Bản tăng.

Đáng chú ý, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ đã tăng đột biến. Cụ thể, vốn FDI của Nhật Bản vào các nước ASEAN tăng 120% so với năm 2010 lên mức 19,645 tỷ, trong đó 3,611 tỷ USD vào Indonesia, tăng 637%; 7,133 tỷ USD vào Thái Lan, tăng 217%; và 1,859 tỷ USD vào Việt Nam, tăng 148,5%. Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đầu tư 11,287 tỷ USD vào khu vực Trung-Nam Mỹ, tăng 111,1% so với năm 2010, trong đó chỉ riêng Brazil chiếm tới 8,29 tỷ USD, tăng 92,1%.

Theo các chuyên gia phân tích, sự gia tăng dòng vốn đầu tư FDI Nhật Bản vào các nền kinh tế mới nổi xuất phát từ nhu cầu thực tế là khai thác tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế này. Bên cạnh đó, nó cũng xuất phát từ xu hướng di chuyển cơ sở sản xuất ra ngoài “xứ sở hoa anh đào” để khắc phục tình trạng thiếu điện ở trong nước và hạn chế các ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, cũng như sự gia tăng các hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) quy mô lớn của các doanh nghiệp Nhật Bản để tận dụng sự tăng giá của đồng yen.

Bước vào năm 2012, các doanh nghiệp “đất nước Mặt trời mọc” vẫn tiếp tục xu hướng tăng cường đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á và Nam Mỹ. Bên cạnh đó, họ cũng tăng cường đầu tư vào Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai thế giới. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, vốn FDI của Nhật Bản vào khu vực Trung-Nam Mỹ tăng tới 925,5%, vào Ấn Độ tăng 260,8%, vào Indonesia tăng 20,6% và vào Việt Nam tăng 52.3%.

Chiến lược "Trung Quốc+1" của doanh nghiệp Nhật Bản

Trong lúc dòng vốn FDI của Nhật Bản vào các nền kinh tế mới nổi liên tục tăng trưởng với tốc độ cao, dòng vốn FDI của Nhật Bản vào nước láng giềng Trung Quốc lại đang có xu hướng chậm dần. Năm 2011, vốn đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ở Trung Quốc tăng 74% so với năm 2010, lên mức kỷ lục 12,649 tỷ USD. Tỷ lệ tăng trưởng này đã giảm, chỉ còn 37% trong 6 tháng đầu năm 2012.

Theo các chuyên gia phân tích, thực trạng này xuất phát từ chiến lược phòng ngừa rủi ro của các doanh nghiệp Nhật Bản trước những rủi ro của việc đầu tư quá mức vào nước láng giềng trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt nguy cơ hạ cánh cứng của và quan hệ Nhật-Trung đã trở nên căng thẳng sau khi Tokyo quyết định quốc hữu hóa 3 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.

[Nhật - Trung nhất trí tiếp tục đàm phán về lãnh thổ]

Chuyên gia kinh tế trưởng Mitsumaru Kumagai của Viện Nghiên cứu Daiwa nói: “Hơn bao giờ hết, các sự kiện gần đây đã làm thức tỉnh các doanh nghiệp Nhật Bản về các rủi ro kinh doanh ở Trung Quốc”. Theo ông Kumagai, sẽ ngày càng nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư bằng cách tăng cường đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi khác.

Trên thực tế, không phải đến lúc này các doanh nghiệp Nhật Bản mới làm như vậy. Năm 2005, quan hệ Nhật-Trung cũng đã đột ngột trở nên căng thẳng sau khi Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Junichiro Koizumi tới thăm ngôi đền gây tranh cãi Yasukuni ở thủ đô Tokyo. Các cuộc biểu tình chống Nhật Bản và chiến dịch tẩy chay các sản phẩm “made in Japan ” đã diễn ra khắp Trung Quốc. Một năm sau đó, vốn FDI của Nhật Bản vào nước láng giềng này đã giảm từ 6,575 tỷ USD xuống còn 6,169 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Kumagai nhấn mạnh sau sự cố năm 2005, các doanh nghiệp Nhật Bản chưa thực sự muốn đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư của họ. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì Trung Quốc là một thị trường lớn mà các nước trên khắp thế giới đều tìm cách hướng tới và Nhật Bản không phải là ngoại lệ, thậm chí, Tokyo trông đợi rất nhiều vào thị trường này. Năm 2009, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Nhật Bản. Năm 2011, kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đã chiếm gần 1/5 trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, so với con số 7,7% của năm 2001.

Các nhà phân tích cho rằng bất chấp tình trạng căng thẳng trong quan hệ Nhật-Trung, nhiều doanh nghiệp của “đất nước Mặt trời mọc” vẫn chưa sẵn lòng từ bỏ thị trường béo bở với 1,35 tỷ người tiêu dùng. Điều đó thể hiện ở sự biến động của dòng vốn FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc. Trong 8 tháng đầu năm 2012, vốn FDI vào Trung Quốc chỉ tăng 16,2%. Tuy nhiên, tỷ lệ này đã tăng lên mức 17% nếu tính chung 9 tháng đầu năm 2012.

Phát biểu trong cuộc họp báo gần đây, ông Takao Katagiri, Phó Chủ tịch Điều hành hãng sản xuất xe hơi Nissan của Nhật Bản, thừa nhận rằng hoạt động kinh doanh của Nissan đang bị ảnh hưởng tiêu cực do tâm lý chống Nhật ở Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Katagiri cũng khẳng định tập đoàn này không có ý định thay đổi chiến lược kinh doanh ở Trung Quốc do “thị trường Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong trung hạn."

Theo các nhà phân tích, thay vì rời bỏ thị trường Trung Quốc, nhiều khả năng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ tập trung nhiều hơn vào chiến lược “Trung Quốc+1”, có nghĩa là xây dựng thêm cơ sở sản xuất thứ hai ở bên ngoài Trung Quốc để giảm thiểu rủi ro kinh doanh. Chiến lược này cũng tỏ ra phù hợp trong bối cảnh tiền lương của công nhân Trung Quốc đang tăng với tốc độ hai con số trong một vài năm trở lại đây và tăng gấp đôi trong 5 năm qua.

Cùng với các nền kinh tế mới nổi (không kể Trung Quốc), các điểm đến đầy hấp dẫn khác đối với dòng vốn FDI của Nhật Bản sẽ là các quốc gia như Myanmar, Bangladesh và Philippines, nơi chi phí nhân công vẫn còn rất thấp. Chẳng hạn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (JCCI) ở Philippines gần đây cho biết họ đã nhận được hàng loạt yêu cầu cung cấp thông tin từ các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc về việc chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Philippines.

Phó Giáo sư Toru Yoshikawa của Trường Đại học Quản lý Xinhgapo nhận định các doanh nghiệp Nhật Bản đang có xu hướng chuyển sự chú ý của họ sang các thị trường có tốc độ tăng trưởng cao ở Đông Nam Á khi mà nền kinh tế tăng trưởng nóng của Trung Quốc bắt đầu mất dần động lực./.

Thanh Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục