Cơ sở thực phẩm xuất sang Mỹ phải đăng ký định kỳ

Phó chủ tịch Công ty Registral Corp cho biết, bắt đầu từ năm nay, mỗi cơ sở thực phẩm phải đăng ký lại với FDA hai năm một lần.
Ngày 1/4, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phối hợp với Công ty Registral Corp (Mỹ) tổ chức hội thảo xuất khẩu sang Mỹ và những yêu cầu của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, dược phẩm đối với hàng nhập khẩu.

Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích giới thiệu về những đổi mới trong thi hành Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm do Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc của Mỹ (FDA) yêu cầu và những biện pháp để tránh những sai phạm thông thường nhất mà các công ty xuất nhập khẩu và đồ uống hay mắc phải.

Ông David Lennarz, nguyên chuyên gia kỹ thuật Cơ quan quản lý an toàn thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA), Phó chủ tịch Công ty Registral Corp cho biết, bắt đầu từ năm nay, mỗi cơ sở thực phẩm phải đăng ký lại với FDA hai năm một lần. Việc đăng ký lại sẽ được yêu cầu phải thực hiện trong quý IV hàng năm và vào năm chẵn.

Cơ sở đặt bên ngoài Mỹ sẽ tiếp tục được yêu cầu phải chỉ định một đại diện tại Mỹ để FDA liên lạc theo luật chống khủng bố năm 2002.

Luật Hiện đại hóa An toàn thực phẩm cho phép FDA có quyền nghi ngờ một cơ sở sản xuất thực phẩm đã đăng ký nếu FDA nghĩ rằng cơ sở sản xuất, chế biến đóng gói nhận hoặc lưu giữ hàng, bởi cơ sở đó có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc gây tử vong cho con người, hoặc động vật.

Luật cũng cho phép FDA có quyền hạn ra lệnh chứ không chỉ đơn thuần là yêu cầu các công ty thu hồi thực phẩm nhiễm khuẩn.

Các chuyên gia lưu ý, cơ sở thực phẩm xuất khẩu sang Mỹ sẽ được FDA yêu cầu phải lên kế hoạch bằng văn bản cho việc phân tích mối nguy, kiểm soát phòng ngừa và các biện pháp khắc phục để cập nhật theo mỗi thay đổi trong hoạt động ba năm một lần. Những hồ sơ này phải luôn sẵn sàng cho việc thanh tra của FDA.

Các doanh nghiệp nhỏ có thể được miễn hoặc ít nghiêm ngặt hơn trong việc thực hiện các yêu cầu này. Mỗi doanh nghiệp nhỏ được định nghĩa là doanh nghiệp có doanh thu ít hơn 500.000 USD/năm.

Để hàng hóa thực phẩm, dược phẩm và đồ uống của Việt Nam có đủ tiêu chuẩn được nhập khẩu vào Mỹ, các nhà nhập khẩu được yêu cầu thiết lập các chương trình để xác nhận sự an toàn của tất cả các chuyến hàng nhập vào Mỹ và FDA bằng các chứng nhận an toàn cho mỗi chuyến hàng.

Quy định chỉ định những yêu cầu này đã chính thức được thi hành vào ngày 4/1 năm nay. FDA có thể thiết lập một chương trình các nhà nhập khẩu đủ tiêu chuẩn, giảm bớt yêu cầu đối với một số nhà nhập khẩu vào ngày 4/7 tới.

Ông Tạ Hoàng Linh, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, từ khi Việt Nam và Mỹ bình thường hóa quan hệ nhất là từ khi hai nước ký hiệp định hợp tác song phương, quan hệ thương mại giữa hai nước phát triển rất nhanh về quy mô và Mỹ đã trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.

Năm 2011, Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ 16,9 tỷ USD tăng 16,8% so với năm 2010, chiếm 17,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp khá nhiều trở ngại do chưa tiếp cận toàn diện và hiểu về những quy định mới của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Những trở ngại này cần được phổ biến để các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu sang Mỹ khắc phục để từ đó tăng lượng hàng của Việt Nam sang thị trường tiềm năng này./.

Đỗ Thảo Nguyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục