VN dự Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm nghiệp ASEAN

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu dẫn đầu tham dự AMAF 35, tổ chức ở Malaysia.
Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, Hội nghị Bộ trưởng Nông-Lâm nghiệp ASEAN lần thứ 35 (AMAF-35), Hội nghị Bộ trưởng Nông-Lâm nghiệp ASEAN với các nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (AMAF+3) lần thứ 13 và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN-Ấn Độ lần thứ 3 về hợp tác nông lâm, diễn ra từ ngày 26-28/9, tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia.

Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu làm trưởng đoàn gồm đại diện các đơn vị Vụ Hợp tác quốc tế, Tổng Cục Thủy sản, Cục Bảo vệ thực vật, Cục Thú y. Lãnh đạo Văn phòng Ủy ban Quốc gia về Hợp tác kinh tế quốc tế cũng tham gia đoàn công tác.

Tại Hội nghị, các bộ trưởng tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của hợp tác nông, lâm và thuỷ sản trong khuôn khổ AMAF và AMAF+3 đồng thời yêu cầu thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong khu vực nhằm hướng tới một cộng đồng ASEAN phát triển năng động và bền vững. Đặc biệt, các bộ trưởng bàn thảo và đưa ra nhiều quyết sách quan trọng liên quan đến các lĩnh vực như an ninh lương thực, ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu đến lĩnh vực nông, lâm, thủy sản, xây dựng các tiêu chuẩn khu vực đối với các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nhằm tăng vị thế và khả năng cạnh tranh của nông sản ASEAN trên thị trường khu vực và quốc tế.

Các Trưởng đoàn ghi nhận và đánh giá cao các kết quả triển khai Chương trình Khung về An ninh Lương thực Tổng hợp ASEAN (AIFS), Kế hoạch Hành động Chiến lược về An ninh lương thực ASEAN (SPA-FS), Hiệp định Quỹ gạo khẩn cấp cấp ASEAN+3 (APTERR) chính thức đi vào hoạt động từ tháng 3/2013, Tổ chức Diễn đàn Gạo ASEAN lần 2 với chủ đề Thương mại gạo và đảm bảo tự cung-tự cấp trong ASEAN, Tiếp tục duy trì triển khai dự án hệ thống thông tin an ninh lương thực ASEAN (AFSIS).

An ninh lương thực luôn gắn liền với sự ổn định chính trị, kinh tế-xã hội của khu vực, tại hội nghị lần này các bộ trưởng đã kiểm điểm tình hình thực hiện “Hiệp định Quỹ gạo dự trữ khẩn cấp ASEAN+ 3” nâng tầm thành cơ chế dài hạn và thường xuyên nhằm đối phó hiệu quả với tình trạng thiếu hụt lương thực trong trường hợp khẩn cấp.

Hội nghị ủng hộ các sáng kiến và chương trình hợp tác với 3 nước đối tác, các tổ chức quốc tế và quốc gia khác như Tổ chức Nông Lương của Liên Hợp quốc (FAO), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Thụy Sỹ, Đức, Hoa Kỳ về an ninh lương thực và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Nhằm thúc đẩy thương mại nông sản trong khu vực, các bộ trưởng đã thông qua các tài liệu quan trọng sử dụng chung trong ASEAN, bao gồm: hướng dẫn kiểm dịch thực vật nhập khẩu đối với trái cây có múi; thống nhất mức dư lượng tối đa cho phép (MRL) đối với 6 loại thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên rau quả; xây dựng tiêu chuẩn ASEAN đối với cải bắp, càphê nhân, nghệ, đậu đũa; chiến lược ASEAN về nâng cao năng lực dịch tễ; khung Chiến lược về Nâng cao năng lực và Kết nối các Phòng thí nghiệm trong ASEAN; hướng dẫn sử dụng hóa chất trong nuôi trồng thủy sản và biện pháp loại bỏ các hóa chất có hại.

Về hợp tác thú y, Hội nghị ghi nhận kết quả của các nước trong việc tăng cường năng lực phòng chống các bệnh truyền nhiễm mới nổi trong lĩnh vực chăn nuôi; thành lập Trung tâm Điều phối ASEAN về Thú y và Bệnh lây từ động vật sang người (ACCAHZ); kiểm điểm các chương trình, dự án của ASEAN với FAO, OIE (Tổ chức Thú y Thế giới), EU và Australia về hợp tác trong lĩnh vực thú y.

Về lâm nghiệp, các Bộ trưởng nhất trí cần rà soát Kế hoạch hành động Chiến lược về Hợp tác ASEAN trong lâm nghiệp, triển khai các hoạt động hướng đến quản lý rừng bền vững, thống nhất quan điểm chung của ASEAN trong quán trình hoạch định chính sách và đàm phán quốc tế về chính sách lâm nghiệp.

Về thủy sản, Hội nghị ghi nhận việc thực hiện Chương trình Giám sát, Điều tra và Kiểm ngư (MCS), ghi nhận sáng kiến về Hồ sơ đăng ký tầu cá trong khu vực (RFVR).

Trong khuôn khổ Hội nghị AMAF-35 và các hội nghị liên quan, bộ trưởng các nước ký kết một số văn kiện hợp tác quan trọng với các đối tác, bao gồm Bản ghi nhớ (MOU) giữa ASEAN-Trung Quốc về hợp tác trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp giai đoạn 2013-2018; gia hạn một năm MOU giữa ASEAN-Trung Quốc về SPS ký năm 2007 để chuẩn bị xây dựng và ký MOU cho giai đoạn 2014-2019; khởi động MOU về hợp tác ASEAN-FAO trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Các bộ trưởng nhất trí Hội nghị Bộ trưởng Nông Lâm ASEAN lần thứ 36 và Hội nghị Bộ trưởng nông lâm ASEAN cộng 3 lần thứ 14 sẽ được tổ chức tại Napi Taw, Myanmar vào năm 2014./.

Kim Dung-Chí Giáp/Kuala Lumpur (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục