Taxi có bị bỏ quên?

Đề án hạn chế xe cá nhân: Taxi liệu có bị bỏ quên?

Theo các hãng taxi, dự thảo đề án hạn chế phương tiện cá nhân vẫn chưa xác định rõ taxi là loại phương tiện cá nhân hay công cộng?
Liên quan đến việc góp ý Dự thảo đề án “Hạn chế phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn” của Bộ Giao thông Vận tải tại 5 thành phố lớn gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ, theo đại diện các doanh nghiệp vận tải, hạn chế xe cá nhân là việc làm đúng đắn nhưng cần phải nghiên cứu nghiêm túc và cần có lộ trình để người dân thực hiện.

Ngoài ra, để không “mơ hồ” về khái niệm phương tiện cá nhân hay công cộng, các hãng taxi cũng kiến nghị, cần phải làm rõ taxi thuộc diện phương tiện nào trong dự thảo của đề án.

Thông tin trên được đưa ra trong hội nghị tham gia ý kiến vào Đề án hạn chế phương tiện cá nhân tại các đô thị lớn, Phương án xây dựng giá cước khi giá cả thị trường biến động được tổ chức tại Hà Nội vào sáng nay (29/8).

Mơ hồ khái niệm xe cá nhân

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Việt Nam, đối tượng được điều chỉnh của đề án là “phương tiện cá nhân tham gia giao thông”, đây là một khái niệm mới, chưa được giải thích trong bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào.

Ông Hùng cho rằng, khái niệm trên được quy định trong đề án có thể được hiểu là ôtô con dưới 10 chỗ ngồi, xe máy đăng ký sở hữu cá nhân, không tham gia kinh doanh.

“Do đó, trong đề án phải làm thật rõ khái niệm này,” ông Hùng kiến nghị.

Đồng tình quan điểm đó, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Hà Nội, đặt ra câu hỏi: “Phương tiện các nhân là loại nào? Xe doanh nghiệp tư nhân, xe bệnh viện tư có phải là phương tiện cá nhân?...”

Dẫn chứng cho vấn đề này, ông Liên đưa ra ví dụ cụ thể, trong đề án, taxi không phải là phương tiện vận tải hành khách công cộng, không phải là xe cá nhân. Vậy taxi thuộc loại xe nào?

Tại hội nghị, các doanh nghiệp cũng có ý kiến về việc xem xét đưa taxi vào loại hình vận tải hành khách công cộng và làm rõ khái niệm tách biệt giữa xe cá nhân - xe kinh doanh để không cào bằng và đánh đồng chung mức phí.

Đại diện hãng taxi Sao Mai kiến nghị, Nhà nước cần xem xét lại và đưa taxi vào diện vận tải hành khách công cộng để có chế độ, ưu đãi bởi taxi không thua kém gì với xe buýt về vận tải khách.

Đưa ra dẫn chứng, vị đại diện này cho hay tại một số nước châu Âu đã đưa taxi vào vận tải công công nên giá cước taxi rẻ hơn nhiều bởi khi mua xe được Nhà nước bù giá tới 40%. Trong khi đó nước ta hiện phí lại cào bằng, đặc biệt là phí trước bạ ở mức cao.

Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Hồng Quân-Chủ tịch Hội đồng quản trị taxi Thành Công, lại cho rằng việc cấm taxi, xe du lịch đi lại trong một số tuyến phố là không nên.

“Taxi là phương tiện phục vụ tận nhà người dân, phục vụ 24/24, bây giờ cấm đi vào tuyến phố thì phục vụ người dân thế nào? Có ai đi bộ ra đầu phố để đi xe taxi? Thêm nữa, taxi cấm vào các tuyến phố trong khi đó xe buýt cồng kềnh lại được ưu tiên như thế là bất hợp lý”, ông Quân nói.

Nên hạn chế ôtô theo giờ, tuyến đường

Đại diện Hiệp hội vận tải cũng nhận định, cơ quan quản lý Nhà nước khi đưa ra chủ trương chính sách cần thận trọng bởi sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành nghề khác.

Theo ông Hùng, việc ùn tắc giao thông do nhiều nguyên nhân, trong đó số lượng ôtô con không phải là nguyên nhân chính gây ra ùn tắc.

“Nếu ta vội vàng đưa ra các chính sách hạn chế ôtô con thì sẽ ảnh hưởng lớn tới ngành công nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô và các ngành công nghiệp phù trợ phục vụ cho ngành này, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách,” ông Hùng phân tích.

Ngoài ra, ông Hùng cũng băn khoăn trong việc hạn chế sở hữu phương tiện theo thời gian sinh sống tại các thành phố lớn (hộ khẩu ít nhất 5 năm tại một thành phố mới được đăng ký xe) vừa vi phạm hiến pháp, vừa không khả thi vì phương tiện sở hữu ở các tỉnh, thành phố khác vẫn có quyền tham gia giao thông ở các thành phố lớn.

Tại hội nghị, đại diện các đơn vị vận tải cho rằng, trước mắt, xe máy chưa nên hạn chế mà là hạn chế xe ôtô nhưng theo một số giờ, một số tuyến đường và cần có lộ trình thực hiện cụ thể.

“Không thể cứ vạch lộ trình hạn chế phương tiện cá nhân làm ngay là xong. Đến năm 2015 chúng ta nên bắt đầu thực hiện đề án này,” ông Liên kiến nghị.

Bên cạnh đó, ông Liên cũng đề nghị, cơ quan Nhà nước cần thành lập các tiểu ban dự án nghiên cứu sâu đề án này đồng thời tuyên truyền rộng rãi chủ trương, chính sách kết hợp với tiến hành xử phạt vi phạm giao thông quyết liệt để đảm bảo an toàn giao thông./.

Việt Hùng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục