"Việt Nam sẽ thành công ở vai trò thành viên Ủy ban Di sản thế giới"

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng Việt Nam sẽ thành công trong vài trò thành viên Ủy ban Di sản thế giới.

Ngày 19/11, trong khóa họp Đại hội đồng lần thứ 19 của các quốc gia thành viên Công ước di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới 1972, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Ủy ban Di sản thế giới với sự ủng hộ của đa số phiếu bầu.

Đây là lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào Ủy ban này sau 3 lần ứng cử không thành công. Điều này cho thấy vai trò, vị thế của Việt Nam đang ngày càng được củng cố, đồng thời cũng thể hiện quyết tâm của Việt Nam hội nhập đầy đủ hơn vào quá trình hợp tác văn hóa thế giới.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

 

- Thứ trưởng có thể đánh giá ý nghĩa của sự kiện Việt Nam trúng cử và trở thành thành viên của Ủy ban di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017?

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Di sản thế giới là một tin vui và cũng là niềm tự hào của đất nước chúng ta, một đất nước đã có nhiều di sản được thế giới vinh danh. Trong 3 lần ứng cử trước (vào các năm 1997, 2001, 2003), chúng ta không trúng cử không phải chúng ta không có uy tín mà ở mỗi giai đoạn phát triển, vị thế và vai trò của Việt Nam có những điểm khác nhau.

 

Đến lúc này, chúng ta đã được bạn bè quốc tế thực sự đánh giá cao, có những đóng góp rất hiệu quả, trước hết là cho các hoạt động của UNESCO. Trong vòng 3 năm trở lại đây, khi Mỹ ngừng đóng góp tài chính cho UNESCO đã gây khó khăn rất lớn cho UNESCO về vấn đề tài chính thì vai trò của Việt Nam lại càng quan trọng, mặc dù chúng ta là nước đang phát triển.

 

Việt Nam đã sẵn sàng chia sẻ khó khăn với UNESCO và gánh vác một số hoạt động có ý nghĩa. Đó là các hội nghị tham vấn khu vực châu Á-Thái Bình Dương các Ủy ban quốc gia UNESCO và hội nghị về Công ước 1972 mà chúng ta tổ chức tại Ninh Bình năm ngoái là một số hoạt động lớn mà chúng ta gánh vác trong bối cảnh UNESCO có những khó khăn. Tôi cho rằng, vai trò vị thế của Việt Nam đang ngày càng được củng cố trên trường quốc tế thì tiếng nói của chúng ta trong các tổ chức quốc tế, trong đó có UNESCO càng có ý nghĩa hơn. Bạn bè quốc tế nhận thấy những đóng góp của Việt Nam thể hiện mong muốn hội nhập đầy đủ với quốc tế, chúng ta muốn là bạn với các nước và thực sự muốn chia sẻ.

 

Việt Nam có nhiều sáng kiến, chủ động nêu ra trong các kỳ họp của Hội đồng chấp hành của UNESCO, chúng ta cũng đã hai lần trúng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất của UNESCO là Hội đồng chấp hành và lần này chúng ta lại trúng cử vào Ủy ban di sản. Đây là một ủy ban chuyên môn rất khó bởi vì gồm 21 thành viên chuyên giám sát công nhận các di sản. Có thể nói, đây là một thành công lớn của Việt Nam trong công tác UNESCO cũng như công tác di sản.

 

- Như Thứ trưởng đã nói, đây là lần đầu tiên Việt Nam trúng cử vào Ủy ban này sau 3 lần ứng cử chưa thành công, vậy đâu là chìa khóa của sự thành công này, thưa Thứ trưởng?

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Tôi nghĩ trước hết là vị thế của chúng ta. Chúng ta đã đóng góp rất nhiều ý kiến cụ thể cho Hội đồng chấp hành - Cơ quan điều hành chính của UNESCO. Thêm nữa là thời gian qua, quan hệ giữa Việt Nam với UNESCO rất tốt. Chưa từng có Tổng giám đốc UNESCO nào trong 1 nhiệm kỳ lại sang thăm Việt Nam 2 lần, những khuyến nghị chúng ta nêu trong UNESCO về vấn đề cải cách, đặc biệt là trong những vấn đề UNESCO đang gặp khó khăn đã được đánh giá cao.

 

Việt Nam luôn có sáng kiến thúc đẩy đoàn kết của các thành viên UNESCO. Chính vì vậy, chìa khóa dẫn đến thành công là khả năng đóng góp của Việt Nam vào UNESCO. Chúng ta cũng là một quốc gia, một dân tộc có ngàn năm văn hiến được bạn bè quốc tế ghi nhận và là một trong những nước có nhiều di sản được công nhận nhất ở khu vực Đông Nam Á.

 

Có thể nói, đây là một thành công lớn của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, nhất là từ sau Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Vậy trong thời gian tới, Việt Nam sẽ thể hiện trách nhiệm như thế nào để nhân thêm thành công này?

 

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: Nghị quyết 22 của Bộ chính trị và Nghị quyết 11 của Ban chấp hàng Trung ương Đảng đã chỉ rất rõ các định hướng, trách nhiệm và mục tiêu của chúng ta trong việc hội nhập sâu rộng với thế giới. Khi chúng ta đã trở thành thành viên của Ủy ban di sản thế giới thì trách nhiệm của chúng ta càng lớn hơn, nhất là trong việc ta có quyền phán xét và đóng góp ý kiến với các di sản của các quốc gia khác.

 

Chúng ta có thuận lợi là có thể nêu di sản của chúng ta, nhưng đồng thời cũng có trách nhiệm lớn là phải thể hiện sự công bằng. Chúng ta cũng phải thể hiện năng lực chuyên môn của các chuyên gia Việt Nam trong Ủy ban di sản để có thể đủ khả năng đưa ra những phán quyết đối với các di sản của các quốc gia khác, làm sao để họ phải “tâm phục khẩu phục.” Điều này đòi hỏi chúng ta phải chuẩn bị một đội ngũ chuyên gia có đủ năng lực trong vấn đề di sản ở nhiều lĩnh vực như khảo cổ, lịch sử, khoa học... để có đáp ứng các yêu cầu thẩm định về di sản. Do đó, việc đào tạo nguồn nhân lực là rất quan trọng.

 

Trong thời gian tới, Ủy ban UNESCO quốc gia sẽ có những định hướng, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với UNESCO trong các hoạt động của tổ chức này. Cùng với sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong suốt thời gian là thành viên Hội đồng điều hành, tôi tin rằng vai trò của Việt Nam trong Uỷ ban di sản cũng sẽ rất thành công.

 

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục