Bão số 4 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Theo thông báo khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều và tối 12/7 vùng tâm bão số 4 đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Theo thông báo khẩn cấp của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, chiều và tối ngày 12/7 vùng tâm bão số 4 đi vào địa phận các tỉnh Quảng Ninh-Nam Định và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.

Dự báo trong 12 giờ tới, bão số 4 di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, ảnh hưởng trực tiếp đến vùng biển vịnh Bắc Bộ và các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ.

Đến 1 giờ ngày 13/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 105,7 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8.

Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 - 20 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp.

Đến 13 giờ ngày 13/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 103,4 độ Kinh Đông trên khu vực vùng núi phía Tây Bắc Bộ. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ đêm nay có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh.


Vùng ven biển các tỉnh Quảng Ninh đến Nam Định có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, cần đề phòng nước biển dâng cao kết hợp với thủy triều cao 3–5 mét.

Ở các tỉnh Bắc Bộ có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to. Các tỉnh vùng núi đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Ngoài ra do ảnh hưởng kết hợp với gió mùa tây nam hoạt động mạnh, khu vực giữa và Nam biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9. Biển động mạnh.

Ông Bùi Minh Tăng, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương nhận định: Bão số 4 xuất hiện ngay sau đợt mưa lớn từng gây sạt lở ở vùng núi phía Bắc đặt khu vực này vào tình trạng báo động. Sau đợt mưa lũ tuần trước, lượng nước tích trong đất còn khá nhiều, nguy cơ lũ quét và sạt lở đất rất cao.

"Với lượng mưa dự báo lên tới 200mm ở một số điểm, nếu rơi đúng vào các địa phương từng xảy ra lũ quét, sạt lở tuần trước như ở Bắc Kạn, khó tránh khỏi việc tiếp tục xảy ra hiểm họa này" - ông Tăng cảnh báo.

Tính đến 6 giờ ngày 12/7, lực lượng Biên phòng phối hợp với các địa phương trong vùng ảnh hưởng bão số 4 đã kiểm đếm, thông báo cho hơn 12.000 phương tiện và hơn 43.600 lao động đang hoạt động trên đầm bãi nuôi trồng thuỷ sản biết vị trí, diễn biến cơn bão.

Riêng khu vực quần đảo Hoàng Sa hiện có 69 tàu với 958 lao động đang hoạt động. Các tàu này vẫn giữ liên lạc với đất liền, chưa có thiệt hại gì xảy ra.

Hiện nay, trên vùng biển ngoài khơi phía Đông Bắc đảo Luzon (Philippines), một áp thấp nhiệt đới đang hoạt động. Do vậy, cần chú ý theo dõi diễn biến của áp thấp nhiệt đới này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục