Foxconn lại chao đảo khi có thêm một vụ tự tử

Ngày 27/5, nhà máy Foxconn ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến, Trung Quốc, lại tiếp tục bị chao đảo khi lại có thêm một công nhân tự tử.
Ngày hôm qua, Foxconn - nhà sản xuất thiết bị điện tử và linh kiện máy tính lớn nhất thế giới - lại tiếp tục bị chao đảo bởi một vụ tự tử nữa ở đặc khu kinh tế Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc.

Hồi chuông báo động

Vụ tự tử ngày hôm qua là vụ thứ 13 xảy ra trong công nhân Foxconn kể từ đầu năm nay, trong số đó 10 người đã thiệt mạng. Nạn nhân mới nhất may mắn được cứu sống.

Theo cảnh sát Thâm Quyến, đây là một nam công nhân 25 tuổi, mới gia nhập Foxconn được hai tháng đã tìm đến cái chết bằng cách cắt mạch máu ở cổ tay (12 vụ trước đều là nhảy lầu). Do được phát hiện và cấp cứu kịp thời, công nhân này đang dần bình phục.

Terry Gou, Chủ tịch tập đoàn Hon Hai, tập đoàn mẹ của Foxconn, đã phải vội vã quay trở lại Thâm Quyến ngày 27/5. Trước đó, tỷ phú giàu thứ ba Đài Loan này tới Thâm Quyến ngày 26/5, cúi đầu tạ lỗi vì để xảy ra một loạt vụ tự tử trong công nhân tại đây.

Terry Gou bay trở lại Đài Loan trong tối đó. Tuy nhiên, cũng đêm 26/5 đã lại có một vụ nhảy lầu và sáng 27/5 thêm một vụ cắt mạch máu nói trên khiến Terry Gou phải tức tốc từ Đài Loan sang Thâm Quyến một lần nữa.

Chính phủ Trung Quốc đang bày tỏ quan ngại về vấn nạn tự tử của Foxconn, hãng tuyển dụng tới 420.000 công nhân cho hai nhà máy ở Thâm Quyến. Trên khắp Trung Quốc, Foxconn có khoảng 900.000 công nhân.

Có tin rằng Phó Thủ tướng Trung Quốc, Trương Đức Giang - nguyên  Bí thư tỉnh ủy Quảng Đông - đã tới Thâm Quyến để xem xét vấn đề.

Trong vài tháng qua, Foxconn cũng như chính quyền địa phương có nhiều nỗ lực để ngăn chặn nạn tự tử như thiết lập đường dây nóng hỗ trợ, nâng cao chất lượng các khu nhà ở, xây dựng bộ phận tư vấn, giúp đỡ về tâm lý cho công nhân… Tuy nhiên, các vụ tự tử vẫn xảy ra với tốc độ đáng ngại.

Cần đẩy mạnh vai trò công đoàn

Theo Terry Gou, đây là một vấn đề xã hội. Foxconn cũng luôn cố bào chữa những vụ tự tử không liên quan đến điều kiện lao động. Mặc dù vậy, nhiều công nhân của họ phàn nàn với báo giới về văn hóa doanh nghiệp kiểu “kỷ luật quân đội” tại Foxconn và những phân công công việc “tàn nhẫn” mà các chuyên gia mô tả là “hợp pháp, nhưng vô lý.”

Một báo cáo mới đây tại Hongkong cho biết Foxconn, nhà sản xuất các sản phẩm đình đám iPhone, iPad cho Apple, chỉ trả cho nhiều công nhân ở Thâm Quyến mức lương tối thiểu 900 nhân dân tệ mỗi tháng (tương đương 131 USD). Vì vậy, các công nhân không thể không làm thêm thời gian để cải thiện thu nhập.

Không có vi phạm pháp luật nào về điều kiện làm việc ở hai nhà máy của Foxconn tại Thâm Quyến, song các cơ quan hữu quan ghi nhận một con số đáng lưu tâm là nhiều công nhân làm ngoài giờ tới 100 tiếng mỗi tháng. Mức tối đa theo luật quy định chỉ là 36 tiếng.

Báo chí đưa tin các công nhân Foxconn có thể cặm cụi làm việc suốt 12 tiếng mà không trò chuyện với nhau, tuân thủ những quy định khắt khe ví dụ như thời gian tối đa cho việc ăn uống, đi vệ sinh, luôn bị giám sát chặt chẽ hoạt động và phải làm việc chóng mặt những công việc lặp đi lặp lại, khiến họ có cảm giác trở thành “cỗ máy.”

Giáo sư Vương Hướng Tiên thuộc Viện các quan hệ công nghiệp Trung Quốc nhận xét vụ Foxconn hiện nay làm nổi lên nhu cầu cấp bách phải có những công đoàn công nhân độc lập hơn, mạnh mẽ hơn.

Ông nhận xét: “Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã đạt đến điểm cần có một cơ chế thương lượng hiệu quả giữa người lao động và nhà tuyển dụng. Đó là các công đoàn độc lập. Không có chỗ dựa hợp pháp này, công nhân có thể chuyển sang những cách khác để bày tỏ bản thân, điều có thể gây bất ổn cho xã hội.”

Công đoàn ở Foxconn chỉ được thành lập từ cuối năm 2006 và có đội ngũ rất ít ỏi là 27 nhân viên./.
 
Dell và HP quan ngại
 
Ngày 27/5, những “đại gia” làng máy tính là Dell và Hewlett-Packard (HP) cho biết họ đang xem xét các điều kiện lao động tại nhà máy của Foxconn ở Thâm Quyến. Theo người phát ngôn Dell, nếu có những phát hiện về điều kiện lao động xấu, hãng sẽ có hành động thích đáng.

Trước đó một ngày, Apple đã đưa ra tuyên bố tương tự về điều tra điều kiện lao động ở nhà máy Lunghua của Foxconn tại Thâm Quyến. Apple nói rằng họ luôn tuân thủ “bảo đảm các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội cao nhất ở những nơi mà sản phẩm Apple được sản xuất.”

Vì những vụ tự tử bi thảm ở Foxconn, những ngày gần đây, một số nhà hoạt động Hongkong chuyên bảo vệ quyền lợi người lao động đang kêu gọi tẩy chay thế hệ iPhone 4G sắp ra mắt của Apple.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục