Chỉ giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc có mã thuế

Dự thảo Luật thuế thu nhập cá nhân dự định chỉ những trường hợp người phụ thuộc có mã số thuế cá nhân mới được hưởng ưu đãi.
Thừa nhận tình trạng chồng chéo khi xác định đối tượng giảm trừ gia cảnh, đại diện Bộ Tài chính cho hay, từ 1/7/2013 khi Luật thuế thu nhập cá nhân chính thức được áp dụng, chỉ những trường hợp người phụ thuộc có mã số thuế cá nhân mới được hưởng ưu đãi khi tính thuế thu nhập.

Đây là ý kiến vừa được đưa ra trong hội thảo "Hướng tới thực thi hiệu quả Luật thuế thu nhập cá nhân" do Tạp chí Tài chính - Bộ Tài chính tổ chức sáng nay (16/5).

Tỏ ra lo lắng về vấn đề giảm trừ gia cảnh với người phụ thuộc trong hội thảo, ông Đinh Văn Nhã, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, đây đang là vấn đề nan giải bởi sự chồng chéo trong việc khai báo của người nộp thuế.

Ông Nhã chỉ ra thực tế ở không ít gia đình "6-7 anh em cùng khai người phụ thuộc là mẹ già đang sống cùng." Theo ông Nhã, điều này do "thông tin không được tập trung về một đầu mối."

"Chúng ta chưa kiểm soát được nên dẫn tới thất thu ngân sách Nhà nước," đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội lên tiếng.

["Sửa đổi Luật thuế thu nhập cá nhân là cần thiết"]

Đồng tình quan điểm này, Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế còn khẳng định, luật không hạn chế số lượng phụ thuộc và hiện chỉ mới cấp mã số thuế cho người nộp thuế.

"Bởi vậy, việc kiểm soát đối tượng giảm trừ gia cảnh hiện hầu như chỉ phụ thuộc vào ý thức tự giác của người nộp thuế," bà Cúc nói.

Thừa nhận tình trạng này, ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính khẳng định, phía cơ quan quản lý đang hoàn thiện dự thảo nghị định với nội dung quan trọng là cấp mã số thuế cho người phụ thuộc để giải quyết tình trạng trên. Dựa trên những mã số thuế này, phía cơ quan thuế sẽ có cơ sở để kiểm tra chéo trên hệ thống thông tin nhằm đảm bảo tính toán các khoản giảm trừ chính xác hơn.

Giải thích rõ hơn, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ quản lý thuế thu nhập cá nhân, Tổng cục thuế cho biết, dự thảo nghị định sẽ quy định rõ về việc "chỉ giảm trừ gia cảnh cho những trường hợp cá nhân phụ thuộc có mã số thuế."

Tuy nhiên, theo đại diện Bộ Tài chính, đây là công việc cần thời gian cho việc cấp mã số thuế cũng như hoàn thiện về mặt kỹ thuật. Bởi vậy, phía cơ quan quản lý cũng dự định, quy định trên sẽ chỉ áp dụng ngay với những trường hợp đăng ký phát sinh. Những trường hợp đã khai giảm trừ gia cảnh trước đó vẫn tiếp tục được hưởng mức giảm trừ theo quy định.

Ngoài việc siết quản lý đối tượng giảm trừ gia cảnh, theo ông Nguyễn Văn Phụng, dự thảo nghị định sẽ tạo thuận lợi hơn cho cá nhân trong việc quyết toán thuế. Theo quy định hiện hành, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công tại hai nơi hoặc vừa có thu nhập từ tiền công vừa có có khoản thu từ kinh doanh thì phải thực hiện quyết toán thuế khi hết năm. Điều này theo ông Phụng khiến không ít trường hợp khai quyết toán thuế được hoàn lại không đáng kể hoặc không cần lấy lại thuế nhưng không khai quyết toán sẽ bị coi là vi phạm luật pháp.

Bởi vậy, theo đại diện Bộ Tài chính, dự thảo lần này đưa ra đề xuất cá nhân có thu nhập vãng lai bình quân trong năm không quá 10 triệu đồng/tháng đã được đơn vị chi trả khấu trừ thuế sẽ không nhất thiết phải quyết toán với khoản thu này.

Góp ý thêm cho dự thảo nghị định Luật thuế thu nhập cá nhân, bà Nguyễn Thị Cúc cho rằng, những quy định mới cần cụ thể, minh bạch và tránh tình trạng "thu nhầm còn hơn bỏ sót."

Cụ thể, các khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế hay miễn thuế cần phải hết sức rõ ràng để cơ quan thuế và người nộp thuế cùng hiểu, trong đó bao gồm cả những khoản như tiền ăn giữa ca, công tác phí, tiền điện thoại, văn phòng phẩm, trang phục...

"Không nên sợ bỏ sót mà không quy định rõ ràng, gây khó khăn cho việc xác định thu nhập," bà Cúc đưa ra ý kiến.

Ngoài ra, bà Cúc cũng cho rằng, dự thảo cũng nên đề cập tới những hình thức, thủ tục nộp thuế mới thuận lợi hơn để khuyến khích người nộp thuế./.

Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục