Thúc đẩy hơn nữa quan hệ truyền thống VN-Đan Mạch

Chuyến thăm của Nữ hoàng Đan Mạch tới Việt Nam đầu tháng 11 tới hứa hẹn góp phần thúc đẩy quan hệ, hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Chuyến thăm chính thức của Nữ hoàng và Hoàng gia Đan Mạch tới Việt Nam từ ngày 1-9/11 hứa hẹn sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Đan Mạch.

Đó là, hướng tới xây dựng "Quan hệ đối tác vì sự phát triển" trên cơ sở ổn định, lâu dài và cùng có lợi giữa hai nước, tăng cường tình cảm hữu nghị, gắn bó giữa nhân dân hai nước.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước Việt Nam-Đan Mạch đang phát triển tốt đẹp. Hai nước thường xuyên duy trì trao đổi đoàn cấp cao (Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Đan Mạch từ 16-17/9//2009).

Kim ngạch thương mại hai nước tăng đều 10-15%/năm, đạt 318 triệu USD năm 2008. Đầu tư của Đan Mạch vào Việt Nam đạt khoảng 400 triệu USD, đứng thứ 22 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước tuy phát triển tích cực song chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên.

Trong chuyến thăm Đan Mạch mới đây của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai nước đã nhất trí coi hợp tác kinh tế là lĩnh vực ưu tiên, phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD và đầu tư của Đan Mạch tại Việt Nam lên 1 tỷ USD trong một vài năm tới.

Đan Mạch là một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam với tổng viện trợ không hoàn lại tính đến nay khoảng 1 tỷ USD. Năm 2008, Đan Mạch đã quyết định cung cấp cho Việt Nam 40 triệu USD. Khoản viện trợ mới này dành riêng cho lĩnh vực chống biến đổi khí hậu.

Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, Peter Lysholt Hansen cho biết chuyến thăm cấp Nhà nước lần này của Nữ hoàng Đan Mạch tới Việt Nam còn nhằm nâng cao trách nhiệm chung trong việc giải quyết những thách thức về khí hậu và môi trường trong bối cảnh Đan Mạch là nước chủ nhà tổ chức Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào tháng 12 tới và Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu.

Được biết, trong thời gian ở thăm Việt Nam, bên cạnh các hoạt động gặp gỡ giữa Gia đình Hoàng gia và các vị lãnh đạo Việt Nam, sẽ diễn ra nhiều nhiều hoạt động trao đổi nghệ thuật, văn hóa và kinh nghiệm giữa các nghệ sĩ hai nước, đồng thời giữa các nghệ sĩ và công chúng. Vào ngày 3/11 tại Hà Nội và ngày 6/11 tại thành phố Hồ Chí Minh, khoảng 60 doanh nghiệp hàng đầu Đan Mạch sẽ tham dự diễn đàn doanh nghiệp với chủ đề "Việt Nam-Đan Mạch - Hãy cùng hợp tác kinh doanh".

Dự tính, sẽ có hàng trăm công ty Việt Nam tham gia các buổi hội thảo tại hai thành phố. Sau đó, các cuộc thảo luận bàn tròn, các hoạt động giao lưu, kết nối mạng lưới doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện cho sự hợp tác tiếp theo giữa các công ty Đan Mạch và Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội để các doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội kinh doanh mới.
Vương quốc Đan Mạch là một đất nước thuộc vùng Scandinavia với diện tích 43.000 km² (chưa tính các vùng tự trị đảo Greenland và Quần đảo Faroe).

Đan Mạch là nước công nghiệp phát triển, có nền kinh tế cạnh tranh cao và là một trong 10 nền kinh tế hiệu quả nhất thế giới. Do nghèo tài nguyên và thiếu nguyên liệu, người Đan Mạch buộc phải học cách sử dụng nguyên liệu một cách hiệu quả nhất.

Vì chỉ có trữ lượng nhỏ về dầu khí, người Đan Mạch phải nghĩ đến sử dụng năng lượng gió và các năng lượng tái tạo. Các sản phẩm của Đan Mạch đều được thiết kế nhằm sử dụng vật liệu ít nhất và tiết kiệm năng lượng nhất. Tiết kiệm năng lượng trở thành chiến lược tự nhiên của đất nước này.

Các ngành kinh tế mạnh của Đan Mạch gồm vận tải biển, cơ khí đóng tàu, xây dựng cảng biển, chế tạo thiết bị năng lượng, ximăng, công nghiệp dược, chế biến thủy sản và thực phẩm, sản xuất và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, môi trường và công nghệ xanh-sạch, thiết kế công nghiệp và hàng tiêu dùng.

Đan Mạch sớm nhận ra chỉ có phát triển nguồn nhân lực thì mới có thể phát triển và thịnh vượng nên đã dành 7,5% GDP cho phát triển giáo dục chất lượng cao.

Đan Mạch là một trong những nước phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (25/11/1971) và là nước có phong trào nhân dân ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giành độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam trước đây và hiện nay tích cực ủng hộ Việt Nam đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục