Thiếu chợ hoa đầu mối

Vùng hoa Đà Lạt vẫn thiếu vắng chợ hoa đầu mối

Với diện tích canh tác trên 2.500ha, Đà Lạt là vùng trồng hoa lớn nhất cả nước và rất cần một chợ đầu mối để giao thương.
Với diện tích canh tác trên 2.500ha, Đà Lạt là vùng trồng hoa lớn nhất nước, mỗi năm cung cấp cho thị trường khoảng 1,5 tỷ cành hoa các loại.

Tốc độ phát triển hàng năm luôn đạt mức cao, khoảng 20-30%,  nhưng sự phát triển của vùng trồng hoa này chủ yếu là tự phát, theo phong trào, rất cần một chợ đầu mối để giao thương.

Theo Hiệp hội hoa Đà Lạt, tình hình thị trường hoa của cả nước nói chung và Đà Lạt nói riêng tám tháng qua gặp nhiều khó khăn do nhiều lý do.

Thứ nhất, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, lĩnh vực hoa thuộc hạng thứ yếu nên không tiêu thụ được nhiều. Thứ hai, hoa của Trung Quốc tràn vào Việt Nam theo đường tiểu ngạch với số lượng lớn khiến thị trường hoa Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Năm nào cũng vậy, cứ vào các tháng đầu năm hoa Trung Quốc cũng tràn sang Việt Nam với giá rất rẻ, đặc biệt là hoa lily với giá thành chỉ bằng 1/3 giá củ giống mà Việt Nam nhập về từ Hà Lan.

Các tháng cuối năm do tính chất mùa vụ, nhiều ngày lễ nên nhu cầu về hoa sẽ tăng, theo quy luật sức tiêu thụ sẽ tốt hơn, thông thường sản lượng hoa của Đà Lạt trong bốn tháng cuối năm bao giờ cũng hơn 50% so với tám tháng đầu năm.

Theo ông Trần Huy Đường, Chủ tịch Hiệp hội hoa Đà Lạt, ngành hoa Đà Lạt dù đã ứng dụng công nghệ cao từ 10 năm nay, nhiều nhà vườn đã đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới hiện đại, nhà kính (khoảng 1.500ha) nhưng chất lượng hoa không đồng đều, sản lượng manh mún, chưa đáp ứng được thị trường xuất khẩu ngoại trừ một số doanh nghiệp nước ngoài đầu tư.

Hiệp hội hoa trong thời gian qua cũng đề ra nhiều biện pháp, thậm chí đề ra khẩu hiệu “Hoa Đà Lạt xuất khẩu hay là chết?” mà hiện nay vẫn chưa trả lời được câu hỏi đó, sản lượng hoa xuất khẩu vẫn không tăng trưởng.

Các thị trường khó tính tăng cường kiểm dịch, kiểm tra chất lượng rất ngặt nghèo khiến các doanh nghiệp mất dần nhuệ khí.

Bên cạnh đó, hiện 99% giống hoa của Đà Lạt được nhập khẩu từ các nước nhưng từ tháng 8/2011 do quy định về thủ tục cấp phép kiểm dịch thực vật phải có phân tích nguy cơ dịch hại (PRA) từ nước xuất khẩu nên các doanh nghiệp bế tắc trong nhập khẩu giống hoa. Giống nhập khẩu này đều là giống có bản quyền và hầu như là giống mới.

Hiệp hội đã có nhiều văn bản gửi Cục Kiểm dịch Thực vật, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị "can thiệp" nhưng vẫn chưa được tháo gỡ và gia hạn đến tháng 12 mới giải quyết.

Trong tình hình nhiều bất lợi như vậy, Hiệp hội đã kiến nghị nhiều chính sách hỗ trợ, đối thoại với Ủy ban nhân dân tỉnh, ngân hàng, hải quan, thuế... để tìm các giải pháp giúp hội viên.

Mới đây, Hiệp hội có mời chuyên gia Hà Lan sang 15 ngày để tập huấn cho các hội viên về kỹ thuật trồng hoa địa lan. Hiệp hội cũng thường xuyên đi thực địa từng vườn để phân tích dịch hại, tư vấn nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, giá thể, nấm bệnh, bảo quản giống giúp hội viên làm đúng ngay từ đầu tất cả các khâu vì một khâu trục trặc thì sản phẩm sẽ trở thành phụ phẩm phải đổ đi.

Nhưng cái lớn nhất hiện nay là vấn đề định hướng quy hoạch phát triển ngành hoa, cần xác định trồng hoa gì, mùa nào, bán ở đâu cho phù hợp.

Nằm giữa những quốc gia, vùng lãnh thổ phát triển mạnh về hoa như Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Đà Lạt có điều kiện thuận lợi hơn nhưng tại sao không xác định hoa là mũi nhọn, và nếu áp dụng công nghệ cao thì hoa phải là đầu tiên.

Tuy nhiên, trong chính sách của Nhà nước và chính sách của Lâm Đồng hoàn toàn không có một chính sách gì cụ thể cho hoa ngoài chính sách giảm thiểu sau thu hoạch, tất cả máy móc, trang thiết bị hầu hết phục vụ cho rau, quả, thủy sản.

Hiệp hội đang tìm mọi cách để hoa trở thành một trong những đối tượng được hưởng lợi từ chính sách. Các doanh nghiệp kinh doanh hoa thường có hợp đồng, có đại lý nhưng đối với người nông dân vốn sản xuất theo phong trào, theo đám đông, đầu ra khó khăn, thấy thị trường nào đang có giá thì đổ xô vào.

Trong khi đó, Đà Lạt hiện chưa có chợ hoa, 90% sản lượng hoa tiêu thụ trong nước với giá cả bấp bênh. Do đó người trồng hoa Đà Lạt chủ yếu bán qua trung gian, 70% sản lượng hoa sau khi thu hoạch được nhà vườn ký gửi cho các vựa hoa sỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Các chủ vựa bán hàng được bao nhiêu thì nhà vườn được hưởng bấy nhiêu, không được thỏa thuận giá cả, hoàn toàn bị động, tiền nhận lại đôi khi còn bị các khâu trung gian bớt xén. Trong quan hệ mua bán này, thiệt thòi nhất thuộc về nông dân.

Để giải quyết vấn đề này, theo ông Trần Huy Đường còn nhiều việc phải làm nhưng vấn đề mà Hiệp hội hoa Đà Lạt cực kỳ quan tâm đó là phải xây dựng chợ đầu mối về hoa tại Đà Lạt phù hợp với điều kiện tại địa phương. Theo đó, đầu tiên phải có một nơi để tập trung hoa của người sản xuất lại và hình thành mua bán ở góc độ sỉ trước. Bởi người đầu tiên được hưởng lợi là những người nghèo nhất. Do đó hình thành chợ đầu mối là cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, Hiệp hội đã đặt vấn đề đối với Ủy ban nhân dân tỉnh từ năm 2007 nhưng đến nay trung tâm hoa của cả nước vẫn chưa có một chợ hoa./.

Việt Âu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục