Tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam nhanh nhưng chưa bền vững

Trong vòng 20 năm (1990-2010), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20,7% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo.

Ngày 18/3, tại tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức Hội thảo chia sẻ kết quả báo cáo nghiên cứu về giảm nghèo bền vững gắn với giảm chênh lệch mức sống và lấy ý kiến vào Dự thảo đề cương báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.

Đại diện Nhóm nghiên cứu của Oxfam, Ngân hàng Thế giới và 16 tỉnh, thành phố gồm: Hà Tĩnh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Sơn La, Ninh Bình, Hải Dương, Cao Bằng, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Hòa Bình, Bắc Ninh, Hà Giang, Hải Phòng, Lào Cai, Hà Nội, Thái Nguyên tham dự hội thảo.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận một số vấn đề liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 như: Thực trạng gia tăng bất bình đẳng và phản hồi từ người dân, cộng đồng; Bất bình đẳng: Xu hướng và con số; Bất bình đẳng cơ hội và việc làm - góc nhìn từ chênh lệch tiếp tận giáo dục… Hầu hết các ý kiến tại hội thảo cho rằng, thành tích của Việt Nam về tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo trong hai thập kỷ qua rất lớn.

Trong vòng 20 năm (1990-2010), tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ gần 60% xuống còn 20,7% với khoảng hơn 30 triệu người thoát nghèo. Chiến lược toàn diện về tăng trưởng, xóa đói giảm nghèo tại Việt Nam là đúng đắn, hợp lòng dân, phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Việt Nam cũng đạt được thành tựu ấn tượng về giáo dục và y tế. Tỷ lệ nhập học ở bậc tiểu học của người nghèo là trên 90%, ở bậc trung học cơ sở là 70%.

Trình độ học vấn tăng và sự đa dạng hóa các hoạt động phi nông nghiệp, cơ hội làm việc ở công trường, nhà máy... cũng đóng góp tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo ở Việt Nam. Việt Nam được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá là "điểm sáng" trong xóa đói giảm nghèo.

Các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong việc thực hiện Chương trình giảm nghèo ở Việt Nam như: việc ban hành cơ chế, chính sách còn chồng chéo dẫn đến việc thực hiện phân bổ, hiệu quả sử dụng các nguồn lực chưa cao; nhiều địa phương còn tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước mà chưa tự lực vươn lên thoát nghèo.

Một số cơ chế, chính sách hiện còn bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn nhưng việc sửa đổi, bổ sung còn chậm. Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức về giảm nghèo chưa được tổ chức thường xuyên.

Đối với Dự thảo đề cương báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2012, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội sẽ tiếp tục lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương để hoàn thiện và trình với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục