Đẩy mạnh thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay

Công tác tuyên truyền về thi đua yêu nước cần được tăng cường đổi mới, qua đó biểu dương, tôn vinh và nhân rộng điển hình tiên tiến.
Kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, chiều 10/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh trong giai đoạn hiện nay”.

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Phạm Văn Linh; Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Thị Hà, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương, Trưởng Ban Thi đua-Khen thưởng Trung ương, chủ trì Hội thảo.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại một di sản, một kho báu vô cùng quý giá về tư tưởng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước là một bộ phận rất quan trọng trong toàn bộ di sản, kho báu đó. Bác đã dạy: “Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất.”

Ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc, mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của cả dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Bác kêu gọi “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ đều cần trở nên một chiến sỹ đấu tranh trên một mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa… ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc.”

Lời kêu gọi của Bác như một lời hiệu triệu được truyền đến đồng bào và chiến sỹ cả nước, khơi dậy lòng yêu nước, thôi thúc hàng triệu người dân Việt Nam không ngại hy sinh, gian khổ, hăng hái thi đua lao động sản xuất, tham gia kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc.

Tư tưởng về thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh thắm đượm truyền thống yêu nước, bản sắc văn hóa và niềm tự hào dân tộc. Bác chỉ ra: Thi đua, khen thưởng là động lực phát triển đất nước và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới, thi đua yêu nước phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, hàng ngày. Bác đã nâng quan niệm về thi đua lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị, coi thi đua là biểu hiện của lòng yêu nước, là cốt cách phẩm chất đạo đức của người dân Việt Nam…

Với Bác, công tác thi đua không chỉ có “phát” mà nhất thiết phải “động”, phải được tổ chức trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội và thực hiện thường xuyên, lâu dài, rộng khắp. “Người người thi đua, ngành ngành thi đua.” “Công tác thi đua phải tuyên truyền, phổ biến đến mọi tổ chức và công dân, phải dấy lên phong trào, mọi tổ chức, mọi công dân thi đua trong mọi công việc hàng ngày, phải thực hiện nghiêm chỉnh, xuất sắc Nghị quyết, Nghị định, Chỉ thị của Đảng và Chính phủ, xây dựng nếp sống văn minh, con người văn hóa mới.”

Thấm nhuần tư tưởng thi đua yêu nước của Người, 65 năm qua, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đã tổ chức thực hiện nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần tạo động lực to lớn, cổ vũ động viên nhân dân cả nước vượt mọi khó khăn gian khổ làm nên thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam.

Từ những phong trào thi đua lớn như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm,” “Hũ gạo kháng chiến,” “Sóng Duyên Hải," “Gió Đại phong,” “Cờ Ba nhất”… đến các phong trào “Thanh niên ba sẵn sàng,” “Phụ nữ ba đảm đang,” “Tuổi nhỏ chí lớn,” “Dạy tốt, học tốt”… đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống xã hội, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực lao động sản xuất, quyết tâm chiến đấu giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đổi mới, công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương pháp, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tiêu biểu là các phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa,” “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi,” “Thanh niên lập nghiệp,” “Đền ơn đáp nghĩa,” “Vì Trường Sa thân yêu,” “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”… đã góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, phong trào thi đua và công tác khen thưởng còn bộc bộ nhiều hạn chế, yếu kém. Các phong trào thi đua phát triển chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục, có nơi còn hình thức. Trong khen thưởng, chưa quan tâm khen thưởng cho công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp. Một số tập thể, cá nhân được khen thưởng nhưng thành tích chưa thật sự tiêu biểu, chưa tạo được sức lan tỏa trong cơ quan, đơn vị, cộng đồng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung làm sáng tỏ những nội dung mang tính lý luận và thực tiễn để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về tư tưởng thi đua yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh; về vị trí, vai trò của các phong trào thi đua, từ đó tham gia tích cực vào các phong trào thi đua trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Từ những kết quả đạt được và những bất cập trong các phong trào thi đua, các đại biểu đề xuất với Đảng và Nhà nước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác thi đua-khen thưởng; các giải pháp đổi mới công tác thi đua để thi đua thiết thực hơn, các phong trào thi đua có nội dung, tiêu chí cụ thể, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tế của các ngành, các cấp. Hình thức phát động phải đa dạng, phong phú để khuyến khích nhiều người tham gia hưởng ứng.

Công tác tuyên truyền về thi đua yêu nước cần được tăng cường và đổi mới, qua đó biểu dương, tôn vinh người tốt việc tốt. Các cấp, các ngành cần tiếp tục có những biện pháp xây dựng và nhân rộng các điển hình tiên tiến thông qua các phong trào thi đua./.

Hương Thủy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục