VASEP kiến nghị kiểm soát hạn ngạch sản lượng cá tra

VASEP kiến nghị kiểm soát hạn ngạch sản lượng cá tra phù hợp nhu cầu thị trường nhằm tái cơ cấu sản xuất và tiêu thụ cá tra bền vững.
Chế biến cá tra philê xuất khẩu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Thay mặt các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra của Việt Nam, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có văn bản đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp tái cơ cấu sản xuất và tiêu thụ cá tra theo hướng bền vững.

Đó là áp dụng cơ chế kiểm soát hạn ngạch (quota) sản lượng nuôi cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường và áp dụng thí điểm cơ chế một đầu mối dịch vụ xuất khẩu.

 

Theo VASEP, việc áp dụng cơ chế kiểm soát hạn ngạch (quota) sản lượng nuôi cá tra phù hợp với nhu cầu thị trường là để hạn chế hiện tượng thừa -thiếu sản lượng cá tra do thiếu cơ chế liên hệ giữa khâu sản xuất nguyên liệu với khâu chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ. Do vậy VASEP đề nghị Chính phủ cho phép Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn áp dụng cơ chế phân bổ và kiểm soát hạn ngạch sản lượng nuôi cá tra.

Hàng năm, căn cứ dự báo tình hình thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa do VASEP hiệp ý với Bộ Công Thương cung cấp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng VASEP, Hiệp hội cá tra Việt Nam thảo luận với các Ủy ban Nhân dân và Hiệp hội thủy sản các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đồng thuận mức sản lượng cá tra năm sau. Từ đó, thống nhất phân bố quota cho từng tỉnh.

Sau đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh sẽ cùng với Hiệp hội thủy sản tỉnh phân bổ quota sản lượng nuôi cá tra cho từng trang trại nuôi cá tra đã được cấp phép, phù hợp điều kiện tự nhiên và năng lực của từng trại; đồng thời chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát việc thực hiện quota đó.

Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào, việc quản lý quota sản lượng có thể được thực hiện theo các nguyên tắc quản lý theo toàn chuỗi sản xuất cá tra, bắt đầu tư khâu thả giống; chỉ cấp quota cho các ao nuôi đủ điều kiện, đã đăng ký và được cấp phép; mỗi lô cá nuôi phải có hồ sơ xuất xứ hợp pháp và doanh nghiệp phải cung cấp hồ sơ xuất xứ cá nguyên liệu khi xuất khẩu.

Đối với kiến nghị áp dụng thí điểm cơ chế một đầu mối dịch vụ xuất khẩu, VASEP cho rằng đây là phương án nhằm tổ chức lại xuất khẩu, giảm chi phí và hạn chế cạnh tranh không lành mạnh, nâng cao giá bán. Do vậy VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hiệp hội áp dụng thí điểm việc tổ chức một đầu mối dịch vụ xuất khẩu cá tra sang thị trường EU.

Việc thí điểm sẽ được thực hiện theo cơ chế thiết lập một đầu mối dịch vụ xuất khẩu và phân phối sản phẩm cá tra cho thị trường EU, đảm nhiệm các khâu: dịch vụ đại lý, vận chuyển, logistic, kho ngoại quan, bán đấu giá trên sàn điện tử, phân phối đến khách hàng và dịch vụ đại lý thanh toán.

Địa điểm thực hiện là Cảng Zeebrgge (Bỉ) và đối tượng là tất cả các lô hàng phile đông lạnh cá tra của các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường 28 nước thành viên EU.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, diện tích nuôi cá tra chín tháng năm 2013 của cả nước chỉ đạt khoảng 5.600ha, giảm 13% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cá tra đã thu hoạch chỉ đạt 723.000 tấn, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2012.

Bên cạnh đó, hiện uy tín chất lượng của sản phẩm philê đông lạnh cá tra tại nhiều thị trường bị suy giảm khá nghiêm trọng, tỷ trọng sản phẩm giá trị gia tăng rất thấp (chưa đạt 1% tổng giá trị xuất khẩu cá tra).

Riêng tại thị trường EU, kim nghạch xuất khẩu mặt hàng cá tra philê đông lạnh liên tục giảm, từ mức 581 triệu USD (năm 2008) xuống còn 425 triệu USD (năm 2012), tốc độ giảm trên 5%/năm.

Trong tám tháng năm 2013, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang EU chỉ đạt 254 triệu USD, giảm 12,9% so với cùng kỳ năm trước, tỷ trọng thị trường chỉ còn 22,4% trong khi năm 2007 tỷ trọng đạt tới 48%. Do vậy, doanh nghiệp và người nuôi cá tra đang trải qua giai đoạn vô cùng khó khăn, nhiều doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản, nhiều người nuôi cá treo ao hoặc chuyển nghề.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, bên cạnh những tác động bất lợi của kinh tế toàn cầu, VASEP cho rằng còn có khó khăn nội tại là sự yếu kém của các doanh nghiệp ngành cá tra; nhiều tồn tại về cơ chế quản lý Nhà nước trong việc kiểm soát sản lượng để chủ động tác động cân đối cung-cầu và thiếu cơ chế hạn chế sự cạnh tranh thiếu lành mạnh giữa các chủ thể của chuỗi giá trị dưới áp lực dư thừa sản sản lượng.

Đây chính là hai nguyên nhân tạo thêm khó khăn và ách tắc trong ngành thủy sản xuất khẩu quan trọng này./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục