Galileo Galilei, cầu nối văn hóa Trung Quốc-Italy

Niềm say mê nghiên cứu khoa học và sự tiến bộ của loài người của Galileo Galilei là một cầu nối văn hóa giữa Trung Quốc và Italy.
Chủ tịch Liên đoàn các nhà khoa học thế giới Antonino Zichichi cho biết niềm say mê nghiên cứu khoa học và sự tiến bộ của loài người của nhà thiên văn học nổi tiếng người Italy Galileo Galilei là một cầu nối văn hóa giữa Trung Quốc và Italy.

Theo ông Zichichi, “Galileo được biết đến ở Trung Quốc nhiều hơn so với các nước phương Tây. Người dân nước này đã đọc các tác phẩm của ông được các nhà truyền giáo dòng Tên dịch ra tiếng Trung và bắt đầu tôn kính ông như cha đẻ của khoa học hiện đại."

Phát biểu tại lễ khánh thành bức tượng đồng của Galileo tại Rome, ông Zichichi nhấn mạnh, người Trung Quốc là những người đầu tiên thực sự đánh giá đúng công việc của Galileo.

Galileo là người có nhiều đóng góp vào tiến bộ của khoa học và loài người, trong đó có việc thám hiểm vũ trụ qua kính viễn vọng và phát triển học thuyết về vũ trụ lấy trung tâm là mặt trời.

Galileo Galilei là một nhà thiên văn học, vật lý học, toán học và triết học người Italy. Ông là người đóng vai trò quan trọng trong cuộc cách mạng khoa học và được gọi là "cha đẻ của việc quan sát thiên văn học hiện đại," "cha đẻ của vật lý hiện đại," "cha đẻ của khoa học," và "cha đẻ của Khoa học hiện đại."

Những đóng góp của Galilei trong thiên văn học quan sát gồm vệc xác nhận các tuần của Sao Kim bằng kính thiên văn, phát hiện bốn vệ tinh lớn nhất của Sao Mộc và sự quan sát và phân tích vết đen Mặt Trời.

Theo Bộ trưởng Vận tải Italy Altero Matteoli, Galileo là một phần trong di sản văn hóa và khoa học của Italy. Chính ông đã làm cho Italy trở thành một đất nước to lớn và tiên tiến bất chấp tình trạng không ổn định của ngành công nghiệp nước này.

“Thiên tài Galileo ngày nay đang sống trong những người Italy. Chúng tôi biết ơn ông ấy vì điều này,” ông Matteoli cho biết./.

Lê Bàng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục