An Giang: Tiến hành thả cá sặc bổi về rừng tràm

Trạm Kiểm lâm rừng tràm Trà Sư vừa kết hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường thả trên 20.000 con cá sặc bổi (khoảng 135kg) về rừng tràm.
Trạm Kiểm lâm rừng tràm Trà Sư vừa kết hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường thả trên 20.000 con cá sặc bổi, tương đương 135kg cá về rừng tràm Trà Sư. Nguồn cá được mua từ cơ sở sản xuất giống Bá Hộ ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.

Thông tin trên được ông Trần Ngọc Rạng, Trưởng Trạm Kiểm lâm rừng tràm Trà Sư thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cho biết.

Ông Rạng cũng cho biết, cá sặc bổi hiện là loại cá quý hiếm, vì vậy thả cá về nguồn nước thiên nhiên của rừng tràm Trà Sư lần này nhằm để gây, nuôi, phát triển và bảo tồn nguồn gen của cá trong môi trường tự nhiên, đồng thời còn làm phong phú, đa dạng nguồn thủy sản nước ngọt hiện có tại khu rừng sinh thái Trà Sư, nơi thu hút hàng trăm ngàn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu hàng năm.

Được biết Trà Sư là rừng tràm ngập nước, nằm trong hệ thống rừng đặc dụng của quốc gia, được công nhận khu bảo vệ cảnh quan vào năm 2005 và được tỉnh An Giang khai thác thành khu du lịch sinh thái phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, khám phá.

Khu du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư có tổng diện tích 845 ha vùng lõi và 643 ha vùng đệm, với phong phú, đa dạng hệ động, thực vật như 11 loài thú, 22 loài bò sát, 23 loài cá và 70 loài chim, trong đó có 2 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam là Cò Lao Ấn Độ và Cổ rắn (Điêng Điểng), nơi đây còn có 140 loài thực vật với 79 loại dược liệu quý hiếm./.

Thu Trang (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục