Đại đoàn kết toàn dân: Sức mạnh mềm của dân tộc

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc đề nghị xây dựng Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc 2010.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm đề nghị các Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc năm 2010.

Việc xây dựng được thực hiện trong tinh thần tăng cường tính tiêu biểu, tính đại diện và thiết thực của hệ thống mặt trận, phát huy mạnh mẽ vai trò, ảnh hưởng của Mặt trận Tổ quốc trong giai đoạn phát triển quan trọng sắp tới của đất nước.

Đây cũng là nội dung chủ yếu của Hội nghị lần thứ II Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII) khai mạc sáng 27/1 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong 2 ngày (27-28/1), hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Chương trình phối hợp thống nhất hành động của Mặt trận Tổ quốc năm 2009 và đề ra chương trình mới cho năm 2010, thông qua dự thảo Quy chế hoạt động của Ủy ban Trung ương, Đoàn Chủ tịch và thường trực Ủy ban, Chương trình làm việc toàn khóa của Ủy ban và một số thay đổi về nhân sự Ủy ban.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đồng tình với những mục tiêu mà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề ra cho giai đoạn mới, cho rằng hệ thống mặt trận phải chú trọng đa dạng hóa các hình thức vận động, tập hợp và động viên nhân dân, đẩy mạnh thi đua yêu nước, phát huy quyền và sự tham gia của dân vào xây dựng Đảng và chính quyền, hoạt động đối ngoại và đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động của hệ thống mặt trận…

Chủ tịch nước đề nghị Mặt trận Tổ quốc đặc biệt lưu ý tăng cường vai trò giám sát, tham gia xây dựng Đảng và chính quyền vì đây là một nhu cầu mật thiết và bức xúc hiện nay, nhất là lên tiếng nhận xét, đánh giá cán bộ ở các cấp, giúp Đảng chọn được người tốt vào cấp ủy, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Ông nhấn mạnh ý nghĩa sống còn của việc tập hợp quần chúng, coi khối đại đoàn kết toàn dân là sức mạnh mềm của dân tộc trong giai đoạn phát triển mới song song với việc chăm lo, chia sẻ khó khăn với người dân.

“Đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn vừa qua là nhờ áp dụng những chủ trương, cách làm sát với điều kiện thực tiễn và phù hợp lòng dân. Lòng dân với Đảng rất thủy chung nhưng lợi dụng lòng tốt của dân mãi là không được, phải hiểu rõ khó khăn của dân để có cách thức chia sẻ, tháo gỡ, giúp dân có cuộc sống tốt hơn về mọi mặt,” Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Ông nhắc nhở mặt trận các cấp coi trọng việc công khai, minh bạch thông tin từng công trình, từng con số chi tiêu cụ thể trong hệ thống mặt trận để người dân giám sát, nhất thiết không để xảy ra tình trạng xà xẻo tiền cứu trợ bão lũ, tiền hỗ trợ người nghèo ăn tết… như thời gian vừa qua ở vài địa phương.

Chủ tịch nước đề nghị Mặt trận Tổ quốc khởi xướng và đi đầu một cuộc vận động hát quốc ca Việt Nam trong các nghi thức, các buổi lễ dù lớn hay nhỏ trong cả nước. “Quốc ca là thiêng liêng, là tiếng hiệu triệu của hồn thiêng sông núi, phải trân trọng và hát quốc ca bằng cả tấm lòng mình,” Chủ tịch nước nói.

Ông cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc bàn bạc để có phương thức vận động người dân thực hiện việc thiêu xác thay vì chôn cất người quá cố. “Nhiều nơi xây cất các khu mộ rất lớn, tốn kém, chiếm nhiều diện tích đất. Chúng ta cần dành đất cho con cháu trồng trọt, sản xuất. Cá nhân tôi cũng để lại di chúc về việc thiêu xác khi qua đời. Mặt trận Tổ quốc cần sớm vận động, thuyết phục người dân vì việc này đang trở nên rất cần thiết”.

Đề nghị của Chủ tịch nước đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ nhiều nhân sĩ, trí thức, chức sắc tôn giáo và lãnh đạo mặt trận các địa phương tham dự hội nghị.

Một trong những đề xuất được nhiều đại biểu nêu tại hội nghị là về tăng cường tiếng nói của người dân, quyền giám sát, phản biện và quyền ra quyết định của người dân. Trong đó, Mặt trận lựa chọn một số lĩnh vực ưu tiên để tập trung sức làm cho sâu sắc và hiệu quả, cùng dân tham gia vào những vấn đề quốc kế dân sinh một cách thực chất.

“Mặt trận Tổ quốc cần đề xuất xây dựng Luật Tham vấn nhân dân và phản biện xã hội, coi đây là cách thúc đẩy trình độ xã hội, góp phần đổi mới thể chế chính trị song song đổi mới kinh tế”, Giáo sư Trần Ngọc Đường đề nghị.

Năm 2009, cuộc vận động Vì người nghèo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã mang lại hơn 974 tỷ đồng, giúp xây dựng và sửa chữa trên 124.000 căn nhà cho hộ nghèo. Trong đó, tại 62 huyện nghèo, nguồn quỹ của Mặt trận Tổ quốc cùng kinh phí Nhà nước và xã hội đã giúp xây dựng gần 60.000 căn nhà cho đồng bào nghèo.

Chương trình “Nối vòng tay lớn” vừa qua do Mặt trận Tổ quốc chủ trì cũng đã vận động xã hội ủng hộ gần 5.000 tỷ đồng giúp người nghèo.

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết sẽ thành lập 7 Hội đồng tư vấn về dân chủ-pháp luật, văn hóa-xã hội, khoa học-giáo dục, kinh tế, dân tộc, tôn giáo, đối ngoại và người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Các Hội đồng sẽ giúp Ủy ban xây dựng chương trình hoạt động cụ thể trong từng lĩnh vực cũng như tư vấn giải quyết những vấn đề bức xúc và nhạy cảm đặt ra trong quá trình hành động./.

Thi Cầm (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục