Chờ đợi lãi suất giảm

Doanh nghiệp vẫn "dài cổ" chờ đợi lãi suất giảm

Ngay sau khi tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp sẽ sớm đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19% trong tháng Chín, nhiều doanh nghiệp đã rất vui mừng. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, hầu hết các doanh nghiệp lại cho rằng mục tiêu này có thể đạt được, nhưng chỉ dành cho một nhóm các khách hàng riêng biệt thay vì một mặt bằng lãi vay chung.
Ngay sau khi tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp sẽ sớm đưa ra các giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay xuống còn 17-19% trong tháng Chín, nhiều doanh nghiệp đã rất vui mừng.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, hầu hết các doanh nghiệp lại cho rằng mục tiêu này có thể đạt được, nhưng chỉ dành cho một nhóm các khách hàng riêng biệt thay vì một mặt bằng lãi vay chung.

Hiệu ứng giảm lãi suất

Sau một thời gian lãi suất cho vay ở ngưỡng cao, đến đầu tháng Bảy, những tín hiệu khơi thông dòng vốn bắt đầu được phát đi bởi các ngân hàng lớn như Sacombank, Eximbank… bằng các chương trình ưu đãi lãi suất cho một nhóm đối tượng riêng biệt, như cho vay tài trợ xuất khẩu.

Tín hiệu này đã nhanh chóng được một số ngân hàng khác hưởng ứng, nhiều ngân hàng đã mở rộng đối tượng cho vay với lãi suất dễ thở hơn.

Ngân hàng Á Châu (ACB) cho biết, từ nay đến hết 31/12, sẽ “tiếp vốn kinh doanh” với lãi suất giảm 1,2% một năm cho đối tượng là cá nhân, hộ kinh doanh. Điều đáng nói là chương trình này không “giới hạn số lần giải ngân” và với số tiền vay từ 500 triệu đồng trở lên (khách hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), 300 triệu đồng ở các tỉnh thành khác thì được hưởng mức ưu đãi giảm lãi suất từ 1,2%. Mức vốn cho vay này được cho là khá “khủng”.

Tình hình diễn ra tương tự ở một số ngân hàng lớn như BIDV, Vietcombank, Vietinbank. Từ đầu tháng Tám đến nay, Vietcombank đã có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay với mức trượt khoảng 2% một năm. Cho vay doanh nghiệp của một số chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh của Vietcombank chỉ còn 20%, cho vay tiêu dùng cũng đã giảm xuống khoảng 2%, chỉ còn 21% một năm.

Một nhân viên tư vấn tín dụng của Vietcombank cho biết, từ nay đến cuối tháng Tám, khả năng lãi suất cho vay sẽ giảm thêm 0,5% - 1%/năm, vì nhiều ngân hàng còn dư tín dụng quá mức.

Đây được cho là một tín hiệu tốt, tuy mức ưu đãi này chỉ dành cho một nhóm các khách hàng riêng biệt thay vì một mặt bằng lãi vay chung.

Một số chuyên gia cho rằng, việc giảm lãi suất cho vay khu vực sản xuất là một mũi tên tuy nhỏ nhưng trúng nhiều đích, một mặt sẽ “trấn an“ dư luận về việc các ngân hàng thương mại trong nửa năm qua đã đạt được mức lợi nhuận hàng ngàn tỷ đồng (dù rằng nếu tính tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu thì hiệu quả là không cao) trong bối cảnh người dân và các doanh nghiệp thuộc ngành nghề khác đang phải vật lộn với khó khăn để tồn tại.

Mặt khác, việc giảm lãi suất cũng giúp ngân hàng giải quyết nguồn vốn ứ đọng của mình trong bối cảnh tín dụng tiền đồng đóng băng vì các doanh nghiệp "quay lưng" do lãi suất quá cao...

Kiên nhẫn chờ đợi

Ngay sau khi nhận được thông điệp của tân Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là lãi suất cho vay có thể giảm về mức 17-19%/năm từ tháng Chín. Tuy nhiên, theo các chuyên gia việc giảm lãi suất sẽ khó thành sự thật vì lạm phát vẫn đang ở mức cao và từ nay đến cuối năm 2011, lãi suất phải vượt qua nhiều thách thức mới có thể giảm xuống như kỳ vọng. Có rất nhiều lý do để các chuyên gia đưa ra nhận định như vậy.

Mặc dù không công khai và phải hạch toán ngoài, nhưng lãi suất vượt trần đang trở nên phổ biến ở các ngân hàng và người gửi tiền cũng quen dần với việc này, bởi áp lực lạm phát kỳ vọng đang còn khá cao.

Chị Nguyễn Kim Thoa (Nhân Chính, Thanh Xuân) được nhân viên một ngân hàng thương mại cổ phần chào mời lãi 17% cho khoản tiền gửi 400 triệu đồng, kỳ hạn có thể kéo dài từ 1 đến 6 tháng và không giới hạn chỉ một tháng như trước. Trong khi đó, một nhà băng khác cũng chào mời chị này mức lãi chênh hơn là 18% một năm. Với khoản tiền lớn hơn, khoảng 500-600 triệu đồng trở lên, lãi suất nhận được có thể đạt 18,3% cho kỳ hạn 1 tháng.

Vì thế, các chuyên gia nhận định, trước mắt, các ngân hàng chưa thể giảm lãi suất và cạnh tranh huy động vốn còn gay gắt. Trong đó, ngân hàng đang có vốn khả dụng dư thừa cũng không muốn tiền tiết kiệm chạy sang nhà băng khác có lãi suất cao hơn. Hơn nữa, những tháng cuối năm, nhu cầu vốn thường tăng cao, nên bằng mọi cách, các nhà băng phải giữ lại nguồn tiền tiết kiệm.

Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn (đề nghị không nêu tên), cho biết ngân hàng rất chia sẻ lãi vay đang cao nhưng tới đây, với room tín dụng ở mức 16%, thời gian tới, khó có cơ sở hạ lãi suất vì lãi suất huy động vẫn cao 17-18%/năm, nên lãi vay thấp nhất cũng phải du di ở mức 20-21%/năm.

Thêm nữa, thanh khoản cuối năm hứa hẹn căng thẳng nên các ngân hàng sẽ phòng bị. Bởi vậy, không chỉ khó giảm lãi suất, mà các ngân hàng còn phải siết cả hạn mức cho vay.

Dưới góc nhìn của doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty Sơn Hà thừa nhận lãi vay cao tới hơn 20%/năm đang khiến doanh nghiệp rất ngại vay. “Một năm Công ty chi phí khoảng 100 tỷ đồng tiền lãi trong khi cơ cấu lợi nhuận tính gộp cũng chỉ hơn 100 tỷ đồng. Doanh thu càng lớn, tỷ lệ trả lãi càng cao. Với doanh nghiệp khác vay được là sướng chứ còn chúng tôi hiện tại phải thực sự có nhu cầu, có đơn hàng xuất khẩu tốt mới dám vay”- ông Quang nói.

Ông Quang cho biết, dù một vài ngân hàng đã phát đi tín hiệu giảm lãi suất nhưng ở mức gần như không đáng kể. Hiện, doanh nghiệp chỉ trông vào nguồn vốn bổ sung từ huy động trái phiếu dài hạn. Nhưng lãi suất trái phiếu cũng cao, phát hành thêm cổ phiếu thì giá trên sàn rẻ như cho nên khó có cơ hội thành công.

Còn tại Công ty chế tạo thiết bị điện Đông Anh, mặc dù rất cố gắng nhưng ban lãnh đạo của Công ty đã phải cho một bộ phận công nhân nghỉ việc do lãi suất vay cao, đầu ra khó. Lãnh đạo công ty này cho biết, nếu lãi suất hạ xuống, doanh nghiệp mới dám vay tiếp để tổ chức lại sản xuất.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mức lãi suất cao ngất ngưởng hiện nay, may ra chỉ là những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản hay chứng khoán... hoặc những doanh nghiệp có những món hàng đầu cơ, kinh doanh theo kiểu "chụp giật" mới có thể chấp nhận vay với lãi suất cao.

Tuy nhiên, đây cũng chính là những lĩnh vực rủi ro lớn và nếu xảy ra vấn đề thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đến ngân hàng. Trong khi đó, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh chân chính, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó lòng chịu nổi. Vì "làm ăn gì cho lại" khi lãi suất vay lên tới 25%/năm.

Ông Kiêm cho rằng, để giải quyết tận gốc bài toán lãi suất, cần phải quyết liệt kiềm chế được lạm phát. Lạm phát có giảm lãi suất mới giảm được. Muốn vậy cần phối hợp chính sách tốt hơn nữa, cắt giảm quyết liệt hơn nữa ở mảng đầu tư công, chi tiêu công và tăng cường quản lý thị trường./.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mức lãi suất cao ngất ngưởng hiện nay, may ra chỉ là những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản hay chứng khoán... hoặc những doanh nghiệp có những món hàng đầu cơ, kinh doanh theo kiểu "chụp giật" mới có thể chấp nhận vay với lãi suất cao.
Thúy Hà (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục