Bất ổn kinh tế TQ đẩy chứng khoán châu Á "đỏ sàn"

Những lo ngại về nguy cơ khan hiếm tiền mặt tại Trung Quốc, đã đẩy các thị trường chứng khoán châu Á chìm trong "sắc đỏ" phiên 25/6.
Nối gót xu hướng giảm điểm tại Mỹ và châu Âu trong phiên trước, các thị trường chứng khoán châu Á cũng đồng loạt đi xuống trong phiên giao dịch ngày 25/6, do những lo ngại về nguy cơ khan hiếm tiền mặt tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, tới cuối phiên, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải đã phục hồi phần nào sau khi có lúc đã giảm sâu tới hơn 5%.

Kết thúc phiên này, tại thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã để tuột mất đà tăng ở đầu phiên để quay đầu giảm 93,44 điểm (0,72%), xuống 12.969,34 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), chỉ số Kospi cũng hạ 18,38 điểm (1,02%), xuống 1.780,63 điểm.

Tại Sydney (Australia), chỉ số S&P/ASX200 mất 13,1 điểm (0,28%), đóng cửa ở mức 4.656 điểm- mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, diễn biến tại hai thị trường chứng khoán chủ chốt là Thượng Hải và Hong Kong lại ngược nhau. Khi chỉ số Hang Seng ngược dòng tăng 41,74 điểm (0,21%), lên 19.855,72 điểm, nhờ hoạt động săn lùng cổ phiếu giá hời, thì chỉ số Shanghai Composite lại giảm 3,73 điểm (0,19%), xuống còn 1.959,51 điểm - mức chốt phiên thấp nhất của chỉ số này trong vòng 4 năm qua.

Sự tụt dốc của chứng khoán Trung Quốc bắt nguồn từ những bất ổn tài chính mới đây của nước này, khi Bắc Kinh đã từ chối bơm thêm tiền vào các thị trường tài chính trong nước, bất chấp tình trạng khan hiếm tiền mặt đang ngày càng gia tăng, gây khó khăn cho các ngân hàng.

Năm 2012, Trung Quốc chứng kiến mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất trong vòng 13 năm qua và tới thời điểm này của năm 2013, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vẫn chưa tạo được sự phục hồi ấn tượng nào. Tâm lý lo ngại càng bao trùm lên thị trường toàn cầu khi gần đây, liên tiếp những số liệu kém lạc quan về kinh tế Trung Quốc đã xuất hiện, mà mới nhất là báo cáo sơ bộ của ngân hàng HSBC cho hay chỉ số quản lý sức mua (PMI) trong tháng 6/2013 tiếp tục giảm tháng thứ 9 liên tiếp.

Bên cạnh đó, sự hoang mang của giới đầu tư về tình hình tín dụng tại Trung Quốc cũng đang ngày càng gia tăng, giữa bối cảnh các ngân hàng thương mại Trung Quốc bắt đầu hạn chế dòng tín dụng, khi lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng tăng trong hai tuần qua và trong ngày 20/6 lên đến 13%. Các ngân hàng nhà nước lớn của Trung Quốc chỉ cấp tín dụng cho các khách hàng lớn nhất, khiến rất nhiều doanh nghiệp nhỏ phải đi vay bên ngoài. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) không bơm thêm tiền do cho rằng tình hình thanh khoản trong hệ thống tài chính vẫn ổn.

Đêm trước (24/6), Phố Wall lại tiếp tục khởi đầu tuần mới trong không khí ảm đạm, khi các chỉ số đồng loạt giảm điểm, do lo ngại về tình hình kinh tế Trung Quốc. Khi mà những hoài nghi của giới đầu tư về bước đi tiếp theo của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sau cuộc họp chính sách mới nhất vẫn chưa được giải đáp thì các tín hiệu tiêu cực từ Trung Quốc đã tiếp tục "dội gáo nước lạnh" vào thị trường cổ phiếu. Tuy nhiên, thị trường còn vớt vát lại đôi chút, nhờ việc lãi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có xu hướng hạ, qua đó giúp các mã cổ phiếu thoát khỏi đà giảm sâu.

Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 138,84 điểm, tương đương 0,94%, xuống còn 14.659,56 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng mất 19,34 điểm (1,21%), xuống 1.573,09 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lùi 36,49 điểm (1,09%), đóng cửa ở mức 3.320,76 điểm.

Cũng trong phiên này, ở bên kia bờ Đại Tây Dương, nhân tố Mỹ và Trung Quốc cũng khiến các thị trường chứng khoán châu Âu đua nhau "đỏ sàn." Kết thúc phiên này, chỉ số FTSEurofirst 300 của châu Âu giảm 1,6%, xuống 1.114,19 điểm- mức thấp nhất kể từ 29/11/2012. Chỉ số FTSE 100 của Anh mất 1,42%, xuống 6.029,10 điểm; chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 1,71%, xuống 3.595,63 điểm. Trong khi đó, tại sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức), chỉ số DAX 30 hạ 1,24%, đóng cửa ở mức 7.692,45 điểm./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục