Thu thuế môi trường để định hướng người tiêu dùng

Thảo luận dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường, đa số đại biểu Quốc hội cho rằng việc thu thuế là nhằm định hướng người tiêu dùng.
Sáng 21/10, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường thảo luận một số nội dung còn có ý kiến khác nhau về dự thảo Luật thuế bảo vệ môi trường.

Đa số các đại biểu nhất trí với giải trình, tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cần xác định rõ bản chất, mục tiêu của Luật này là góp phần bảo vệ môi trường; mục đích chính là định hướng hành vi của người tiêu dùng, góp phần hạn chế tiêu dùng sản phẩm gây ô nhiễm; sau đó là bổ sung nguồn thu hợp lý cho ngân sách nhà nước.

Thuế bảo vệ môi trường là loại thuế thu vào sản phẩm khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Thuế được tính vào giá hàng hóa, người tiêu dùng trả thuế trong giá vào thời điểm mua hàng hóa.

Thuế bảo vệ môi trường được xây dựng trên nguyên tắc người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm sẽ phải nộp thuế. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đặt vấn đề: Tại sao không định hướng cho cả hai đối tượng là người sản xuất và người tiêu dùng?

Đại biểu cho rằng, người tiêu dùng cũng khó có sự lựa chọn khác kể cả khi người sản xuất gây ô nhiễm trong quá trình làm ra các sản phẩm, hàng hóa. Người sản xuất hàng hóa gây ô nhiễm cũng phải là người chịu thuế chứ không chỉ người tiêu dùng.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trên thực tế, người tiêu dùng là chủ thể gây ô nhiễm do sử dụng các sản phẩm gây ô nhiễm. Mục đích của việc áp dụng thuế là định hướng, khuyến cáo người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa và thể hiện sự điều tiết của Nhà nước nhằm hạn chế sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm, góp phần bảo vệ môi trường, bảo đảm phát triển bền vững. Do vậy, quy định người tiêu dùng là người chịu thuế, người sản xuất, người nhập khẩu là người nộp thuế là hợp lý.

Làm rõ mối quan hệ giữa thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ nguyên tắc áp dụng thuế bảo vệ môi trường là người sử dụng sản phẩm hàng hóa gây ô nhiễm phải chịu thuế còn nguyên tắc áp dụng phí là người có hành vi xả thải trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm phải nộp phí.

Bản chất nguồn thu từ thuế bảo vệ môi trường không mang tính bù đắp, được đưa toàn bộ vào ngân sách nhà nước và chi cho các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Nhà nước, không phân biệt mục đích sử dụng. Nguồn thu từ phí môi trường mang tính bù đắp và hoàn trả trực tiếp cho việc xử lý ô nhiễm môi trường. Do vậy, cần duy trì quy định cả về phí môi trường và quy định về thuế bảo vệ môi trường, không thể lấy việc thực hiện nghĩa vụ thuế thay cho việc nộp phí và ngược lại.

Đề cập những quy định cụ thể, một số đại biểu đề nghị thay tên “túi nhựa xốp” bằng túi nilon để đảm bảo thông dụng, dễ hiểu đồng thời giải thích cụ thể về loại túi nilông thuộc diện chịu thuế là loại túi được làm từ màng nhựa đơn polyetylen.

Đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị tăng mức thuế đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế lên cao hơn vì khả năng phân hủy của mặt hàng này rất kém (hàng trăm năm), có thể tác động nghiêm trọng đến môi trường.

Đại biểu Trần Thị Dung (Điện Biên) cho rằng, đã là nhựa xốp thì ở dạng nào cũng gây ô nhiễm, do đó cần đưa túi nilon vào đối tượng chịu thuế.

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cũng đồng tình với đề nghị này, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ những bao bì bằng nilông có được điều chỉnh trong Luật này hay không? Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Lân Dũng (Đắk Lắk), hiện nay cũng đã có một số biện pháp khắc phục khả năng gây ô nhiễm môi trường của túi nhựa xốp, đặt ra vấn đề đánh thuế túi nilong có thể không khả thi.

Hiện, Việt Nam chưa có gì để thay thế, trong khi, cả các nước phát triển cũng chưa thể bỏ hoàn toàn loại túi này. Đại biểu Mai cũng đề nghị, cần đánh thuế những người trồng rau mà còn để dư lượng thuốc trừ sâu trong rau, củ khi bán. Có như thế, họ mới chịu cộng tác với các nhà khoa học, có ý thức bảo vệ môi trường và sức khỏe của cộng đồng.

Cho rằng giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc không đưa thuốc lá vào diện đối tượng chịu thuế là chưa thỏa đáng, hợp lý, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An), Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) tiếp tục đề nghị đưa loại sản phẩm này vào diện chịu thuế bảo vệ môi trường.

Theo các đại biểu, thuốc lá đang gây nhiều ảnh hưởng, tác hại đến sức khỏe và môi trường trong khi các quy định xử phạt liên quan còn ít và chưa nghiêm. Giá thuốc lá ở Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới, bất kể ai cũng có thể sử dụng. Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lý do không đưa thuốc lá vào diện đối tượng chịu thuế là do hiện Dự thảo Luật phòng chống tác hại của thuốc lá đang trong quá trình soạn thảo, theo đó dự kiến ban hành nhiều biện pháp ngăn chặn và xử lý hành vi gây ô nhiễm do sử dụng thuốc lá.

Hơn nữa, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với thuốc lá luôn ở mức khá cao và trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào thu thuế bảo vệ môi trường đối với thuốc lá.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, hầu hết các nước đánh thuế bảo vệ môi trường có mức độ về diện các sản phẩm hàng hóa và theo hướng mở dần; chỉ đánh thuế trực tiếp những sản phẩm gây ô nhiễm lớn, riêng thuốc lá chưa có nước nào đánh thuế bảo vệ môi trường.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh thêm mục đích thu thuế bảo vệ môi trường là áp vào khâu sử dụng, không áp vào khâu sản xuất. Đa số ý kiến muốn mở rộng đối tượng chịu thuế, tuy nhiên việc này cũng cần tùy thuộc vào khả năng, sẽ bổ sung dần, làm có lộ trình./.

Thanh Hòa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục