Cần sửa Luật Bảo vệ môi trường đáp ứng thực tiễn

Các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cho rằng cần sửa Luật Bảo vệ môi trường để tháo gỡ khó khăn cho cá Nhà nước và doanh nghiệp.
Ngày 7/9, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Vụ Pháp luật - Văn phòng Chính phủ tổ chức hội thảo rà soát Luật Bảo vệ môi trường nhằm lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, luật gia và cộng đồng doanh nghiệp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hiện đang “làm khó” cho cả Nhà nước và doanh nghiệp.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 ra đời đã tạo hành lang pháp lý khá đầy đủ góp phần không nhỏ trong quản lý về hoạt động bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thời gian gần đây số vụ vi phạm về môi trường có chiều hướng tăng lên, một trong những nguyên nhân được cho do những quy định trong Luật Bảo vệ môi trường đã bộc lộ những hạn chế, chưa theo kịp những thay đổi kinh tế-xã hội hiện tại.

Theo tiến sỹ Nguyễn Văn Phương, Đại học Luật Hà Nội, hiện nay sự bất cập của các văn bản luật điều chỉnh các vấn đề về môi trường đó là chưa có tư tưởng chỉ đạo rõ ràng trong việc kết hợp một cách có hiệu quả giữa kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. Cụ thể, chưa xem xét thoả đáng nhằm bảo đảm sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế, lợi ích xã hội, lợi ích môi trường trong các quy định về bảo vệ môi trường, chưa nhìn nhận rõ, chính xác mối quan hệ giữa những quy định về bảo vệ môi trường và vấn đề bảo đảm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao hiệu quả của công tác bảo vệ môi trường, ông Dương Quang Long, Công ty Luật LEADCO khuyến nghị cần xây dựng những quy định riêng đối với hoạt động nhập khẩu chất thải và phế liệu từ các khu vực có quy chế kinh tế đặc biệt, như nên quy định theo hướng áp dụng các quy định vận chuyển chất thải và phế liệu sản sinh ở trong nước đối với các hoạt động đưa chất thải và phế liệu từ các khu vực có quy chế đặc biệt về kinh tế ra ngoài khu vực này.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, luật cần bổ sung các quy định về trách nhiệm của hội đồng thẩm định và tổ chức dịch vụ thẩm định đối với kết luận của mình theo hướng: trong trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt mà dự án vẫn làm tổn hại đến môi trường xuất phát từ chất lượng của báo cáo đánh giá tác động môi trường thì Hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định phải chịu trách nhiệm về hậu quả này như là cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Theo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, qua 5 năm được thành lập, cục đã phát hiện xử lý tới 20.000 vụ vi phạm các quy định về môi trương, nhưng trong số này chưa khởi tố được vụ nào, nguyên do là những quy định của Luật Bảo vệ môi trường còn mơ hồ, chung chung.

Theo quy định của Điều 92 của Luật về căn cứ xác định khu vực bị ô nhiễm không cụ thể dẫn tới cơ quan chức năng khó xác định lỗi, hoặc xác định không chính xác dẫn tới không có cơ sở để truy tố. Vụ Công ty Vedan xả nước thải ra sông Thị Vải (Đồng Nai) là một ví dụ điển hình./.

Thúy Hiền (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục