Công nhận hai di tích quốc gia đặc biệt ở Ninh Bình

2 di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động được công nhận di tích quốc gia đặc biệt.
Tối 11/9, tại tỉnh Ninh Bình, Lễ kỷ niệm 40 năm thực hiện Công ước 1972 của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới; đón nhận hai bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho hai di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động được tổ chức trọng thể.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới của UNESCO là công ước quốc tế đầu tiên gắn khái niệm bảo vệ thiên nhiên với bảo tồn di sản văn hóa, mang đến một cách tiếp cận mới với những cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Công ước giúp các nước thành viên gắn kết việc bảo vệ di sản với chiến lược quy hoạch, phát triển địa phương; bảo vệ bền vững không chi di sản thế giới mà còn bảo vệ những di sản văn hóa quốc gia.

Trong suốt 25 năm qua, việc Việt Nam tham gia Công ước 1972 với bảy di sản thế giới đã góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản tại Việt Nam, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng và phát triển chung của đất nước, làm thay đổi bộ mặt của nhiều địa phương.

Các cơ sở pháp lý, chính sách, thể chế, bộ máy quản lý, bảo vệ di sản của Việt Nam đã và đang được xây dựng, không ngừng hoàn thiện. Chính phủ đánh giá cao sự đóng góp của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Hội đồng di sản văn hóa quốc gia, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương sở hữu di sản và đặc biệt là sự góp sức, hiệu quả của các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế với việc tổ chức kỷ niệm 40 năm Công ước 1972.

Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương sở hữu di sản cần tiếp tục đảm bảo thực thi nghiêm túc những cam kết với Tổ chức UNESCO, bảo vệ giá trị nổi bật toàn cầu của các di sản, phát huy giá trị di sản với mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời hoan nghênh nội dung trao đổi nhằm hướng tới thành lập mạng lưới xanh kết nối các khu di sản, sinh quyển các nước khu vực Đông Nam Á được UNESCO công nhận nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa thiên nhiên, hướng tới sự phát triển bền vững trong khu vực.

[Thêm 13 di tích được xếp hạng di tích QG đặc biệt]

[Danh thắng Tràng An xứng đáng là di sản thế giới]
 

Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã trao Bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho hai di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật Cố đô Hoa Lư và danh lam thắng cảnh Tràng An-Tam Cốc-Bích Động. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây là niềm vinh dự, đồng thời là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình trong việc gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị thiên nhiên và văn hóa độc đáo của các khu di tích này.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam Nguyễn Thanh Sơn cho rằng Công ước 1972 là công cụ pháp lý quốc tế hữu hiệu trong việc bảo vệ di sản văn hóa, thiên nhiên thế giới, góp phần to lớn trong việc nâng cao nhận thức và thúc đẩy hành động của Chính phủ và người dân khắp nơi trên thế giới.

Công ước đã đưa ra cách tiếp cận mới trên cơ sở pháp lý cần thiết, đảm bảo mối quan hệ cân bằng, hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với bảo vệ môi trường. 962 di sản văn hóa và thiên nhiên mang giá trị nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận, trở thành tài sản quý báu và niềm tự hào chung của toàn nhân loại.

Ông Kishore Rao, Giám đốc Trung tâm di sản Thế giới của UNESCO nhấn mạnh từ khi Công ước 1972 ra đời, đã có 192 quốc gia trên thế giới tham gia ký kết nhằm điều chỉnh các hoạt động liên quan đến lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, góp phần tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư. Ông cũng cam kết sẽ tiếp tục dành sự ủng hộ và giúp đỡ thiết thực đối với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản tại Việt Nam trong thời gian tới.

Ngay sau buổi lễ, các đại biểu đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, giới thiệu Quần thể danh thắng Tràng An hùng vĩ và thơ mộng, lắng đọng nhiều dấu ấn lịch sử, đến với Cố đô Hoa Lư hơn 1.000 năm tuổi cùng những tình cảm nồng ấm của con người nơi đây./.

Vũ Anh Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục