Xu hướng tăng giá của đồng yen bắt đầu chững lại

Giới phân tích nhận định sự xuống giá của đồng yen đang giảm bớt thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Nhật, giúp đẩy giá cổ phiếu đi lên.
"Đợt tăng giá lịch sử" của đồng yen Nhật Bản, bắt đầu từ mùa Hè năm 2011, đã có dấu hiệu “hạ nhiệt,” đặc biệt sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định thực hiện các biện pháp nới lỏng tiền tệ vào đầu tháng Hai này.

Giới phân tích nhận định sự xuống giá của đồng yen đang giảm bớt thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Nhật Bản và giúp đẩy giá cổ phiếu đi lên.

Tuy chưa thể biết liệu chiều hướng trên sẽ kéo dài trong bao lâu, song một số nhà phân tích lưu ý rằng giữa lúc tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đặc biệt là kinh tế Mỹ, còn rất mong manh thì sự lên giá của đồng USD so với đồng yen cũng không hề chắc chắn.

Các chuyên gia cho rằng sự xuống giá của đồng yen trong thời gian gần đây còn được thúc đẩy bởi xu hướng bán tháo đồng yen, vốn được coi là “nơi trú ẩn an toàn” của giới đầu tư vào giai đoạn bất ổn của nền kinh tế thế giới, để mua các tài sản mang tính rủi ro cao hơn, sau khi xuất hiện những tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang được cải thiện và một loạt ngân hàng trung ương trên thế giới, gồm cả Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), quyết định nới lỏng các chính sách tiền tệ.

Cuối tuần trước, đồng USD leo lên 81,22 yen/USD, mức cao nhất kể từ đầu tháng 7/2011, trong khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản cũng chốt phiên cùng ngày ở mức cao nhất kể từ đầu tháng 8/2011. Các nhà xuất khẩu Nhật Bản bắt đầu có thể “thở phào” bởi vì tỷ giá đồng yen tăng mạnh thì lợi nhuận của họ sẽ bị thu hẹp và buộc họ phải tìm cách chuyển bộ máy hoạt động sang nước ngoài.

Đồng USD, đạt 76,03 yen/USD, mức thấp nhất trong vòng 3 tháng qua vào ngày 1/2 vừa qua, nhưng lại bắt đầu tăng dần trong những ngày tiếp theo, sau khi Chính phủ Nhật Bản công bố các báo cáo cho biết năm 2011, Nhật Bản thâm hụt thương mại lần đầu tiên trong 31 năm.

Sau đó, ngày 14/2 , BoJ đã công bố việc bổ sung thêm 10.000 tỷ yen cho chương trình thu mua tài sản của Chính phủ và đặt mục tiêu lạm phát 1% trong năm nay, nhằm ngăn chặn tình trạng giảm phát kéo dài nhiều năm qua. Bên cạnh đó, những dấu hiệu cho thấy sự cải thiện của kinh tế Mỹ, đáng chú ý là thị trường việc làm và nhà đất, đã giúp giới đầu tư nhen nhóm hy vọng vào sự phục hồi của nền kinh tế số một thế giới, qua đó đẩy đồng USD đi lên.

Sự suy yếu gần đây của đồng yen dường như đã trút bỏ phần nào áp lực đối với Chính phủ Nhật Bản, hiện đang phải đối mặt với sức ép kiềm chế đà lên giá của đồng nội tệ.

Tuy nhiên, Giám đốc bộ phận ngoại hối tại ngân hàng Credit Agricole Corporate & Investment Yuji Saito, có trụ sở tại Tokyo, cảnh báo rằng việc Hy Lạp có thực hiện những cam kết của nước này về các chính sách “thắt lưng buộc bụng” hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn; bởi vậy, nhiều khả năng đồng euro và một số đồng tiền chủ chốt khác sẽ tiếp tục mất giá so với đồng yen./.

Minh Trang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục