Bầu cử Pháp: Hollande gia tăng cách biệt với Sarkozy

François Hollande có bước tiến đáng kể tại vòng một bầu cử Tổng thống, với 29% số người ủng hộ, dẫn 5 điểm trước đối thủ Nicolas Sarkozy.
Theo kết quả điều tra mới công bố của Viện nghiên cứu dư luận và thị trường Pháp (CSA), François Hollande đã có bước tiến đáng kể tại vòng một bầu cử Tổng thống, với 29% số người ủng hộ, tăng 2% so với tuần trước để dẫn 5 điểm trước đối thủ Nicolas Sarkozy.

Tại vòng hai, ứng cử viên thuộc đảng cánh tả Xã hội (PS) còn nới rộng khoảng cách hơn nữa với 58% phiếu bầu, tăng 1% so với Tổng thống mãn nhiệm Sarkozy (42%, giảm 1%).

Ứng cử viên Mặt trận Quốc gia (FN) Marine Le Pen giành được 17% phiếu bầu (tăng 2%) và dẫn trước ứng cử viên Mặt trận Cánh tả (FG) Jean-Luc Mélenchon 2 điểm. Ứng cử viên trung dung François Bayrou của Phong trào Dân chủ (MoDem) mất một điểm và giậm chân ở vị trí thứ 5 với 10% phiếu bầu.

Theo phân tích của Jérôme Jaffré, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Nhận thức dư luận Pháp (CECOP), các kết quả điều tra suốt những tháng qua hầu như phản ánh đúng thực tế chiến dịch vận động của từng ứng cử viên.

Tổng thống mãn nhiệm Sarkozy đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc giới thiệu trước toàn thể cử tri Pháp một dự án cố kết chặt chẽ. Nguyên nhân một phần là do bản tổng kết thành tích nhiệm kỳ khiêm tốn của ông, nhưng phần lớn do cách vận động mà ông lựa chọn.

Lẽ ra khủng hoảng có thể cho phép Sarkozy, trong cương vị một tổng thống, nhấn mạnh đến những được, mất của thế giới và xác định lại vị trí của nước Pháp trên trường thế giới, và hơn nữa ông có thể sử dụng vấn đề thâm hụt ngân sách để bảo vệ một dự án lấy sức cạnh tranh của nước Pháp làm trục. Nhưng ông đã không biết cách dựa vào khủng hoảng mà lại trệch hướng vào các chủ đề lan man hòng đoạt lại cử tri bình dân và những người theo chủ nghĩa dân tộc.

Quả thực Nicolas Sarkozy đã giành thêm sự ủng hộ từ các cử tri của Marine Le Pen nhưng lẽ ra ông còn làm được nhiều hơn thế. Jean- Luc Mélenchon đã thuyết phục được các cử tri lẽ ra phải ủng hộ François Hollande nhưng ứng cử viên Đảng Xã hội lại thu hút thành công một bộ phận cử tri của ứng cử viên trung dung François Bayrou. Vì thế khoảng cách điểm số giữa hai ứng cử viên hàng đầu sẽ không có cách biệt quá lớn.

Jérôme Jaffré dự đoán sẽ khó có sự bất ngờ xảy ra trong ngày 22/4, bởi "các cuộc thăm dò dư luận hầu như đã phản ánh tương đối chính xác xu hướng quyết định của cử tri suốt 6 tháng qua.

Đối với Nicolas Sarkozy, cơ may chỉ diễn ra khi Jean-Luc Mélenchon giành được 17-18% phiếu bầu và đẩy Marine Le Pen xuống vị trí thứ tư với số điểm rất thấp, chẳng hạn 12%. Khi đó, hiệu ứng bất ngờ có thể xảy ra và Sarkozy có thể hy vọng hưởng lợi từ việc đông đảo cử tri lo sợ sự lên ngôi của phe cực tả, tương tự như trường hợp từng xảy ra năm 2002, khi toàn thể cử tri "hoảng hồn" với thắng lợi bất ngờ của ứng cử viên cực hữu Jean Marie Le Pen. Tuy nhiên, Sarkozy chỉ có thể hưởng lợi khi hội đủ hai điều kiện nêu trên.

Ngược lại, nếu Jean- Luc Mélenchon giành được điểm số cao trong bối cảnh toàn thể cánh tả cũng giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri, tình hình chỉ có thể mang lại lợi thế cho François Hollande. Khi đó, ứng cử viên Đảng Xã hội sẽ có một vị trí trung tâm và thậm chí có thể xuất hiện như một người bảo vệ chống lại cánh tả cấp tiến. Đây chính xác là những gì đã xảy ra trong cuộc bầu cử năm 1981, với kết quả François Mitterrand đắc cử Tổng thống./.

Nguyễn Tuyên (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục