Những "đột phá" chiến lược an ninh mới của Mỹ

Khác với chiến lược đơn phương trước đây, chiến lược mới chú trọng hơn đến tìm kiếm sự đồng thuận, hay "cam kết và đối thoại."
Chiến lược an ninh quốc gia mới của Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ có điều chỉnh lớn so với thời của cựu Tổng thống George W. Bush, đặc biệt trong cách tiếp cận.

Nguồn tin của hãng thông tấn AP ngày 26/5 cho biết sự điều chỉnh đó được coi là bước "đột phá" so với chính quyền tiền nhiệm.

Khác với chiến lược đơn phương trước đây, chiến lược mới chú trọng hơn đến tìm kiếm sự đồng thuận, hay "cam kết và đối thoại."

Điểm "đột phá" ở đây là Washington đã có ý thức coi trọng giá trị của sự hợp tác toàn cầu, xây dựng các quan hệ đối tác an ninh rộng hơn và giúp các quốc gia khác tự bảo vệ mình.

Điều này cũng đã được ông Obama nhắc tới trong bài phát biểu tại Học viện quân sự West Point, bang New York ngày 22/5 vừa qua, trong đó khẳng định cần có sự góp sức của tất cả các bên để giải quyết những mối đe dọa mới nhất của thế giới, như chủ nghĩa khủng bố, phổ biến vũ khí hạt nhân, biến đổi khí hậu.

Lần đầu tiên, chiến lược an ninh quốc gia Mỹ đưa chủ nghĩa khủng bố có nguồn gốc nội địa vào danh mục các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia, cùng với khủng bố quốc tế, phổ biến vũ khí hạt nhân, bất ổn kinh tế, biến đổi khí hậu toàn cầu và sự xói mòn các giá trị tự do, dân chủ ở nước ngoài.

Cựu Tổng thống Bill Clinton không hề đề cập tới khủng bố có nguồn gốc nội địa trong chiến lược an ninh quốc gia năm 1998, mặc dù cách đó 3 năm vừa xảy ra vụ đánh bom Thành phố Oklahoma. Cựu Tổng thống Bush cũng chỉ nhắc qua tới khái niệm này trong chiến lược an ninh quốc gia năm 2006.

Theo ông John Brennan, cố vấn cao cấp của Tổng thống Obama về chống khủng bố, chiến lược an ninh mới thể hiện rõ rằng Mỹ vẫn muốn duy trì lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, với khả năng và tầm hoạt động không nước nào có thể vượt qua, cho dù bị dàn trải bởi hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan cùng nhiều thách thức khác.

Từ khi lên nắm quyền, chính quyền Obama đã thực hiện một số bước đi thể hiện chiến lược này, như củng cố quan hệ với châu Âu, "cài đặt lại" quan hệ với Nga, thúc đẩy mạnh mẽ việc nối lại các cuộc đàm phán hòa bình Trung Đông và tham vấn với nhiều nước khác trong việc xây dựng một lộ trình tiêu diệt phiến quân Taliban ở Afghanistan.

Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ được công bố bốn năm một lần. Các tổng thống Mỹ thường sử dụng chiến lược an ninh quốc gia để đề ra các mục tiêu lớn và ưu tiên trong việc đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ.

Chiến lược này sẽ quyết định xu hướng chi ngân sách, chính sách quốc phòng và an ninh của Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục