Con đường đến với bộ phim thứ 100 của Thành Long

Bộ phim lịch sử "Cách mạng Tân Hợi" có sự tham gia của Lý Băng Băng và cũng chính là bộ phim thứ 100 của ngôi sao võ thuật Thành Long.
Bộ phim lịch sử "Cách mạng Tân Hợi" có sự tham gia của người đẹp Lý Băng Băng và cũng chính là bộ phim thứ 100 của ngôi sao võ thuật Thành Long. Trong bộ phim này, Thành Long sẽ nhập vai một nhân vật lịch sử, một vị anh hùng lớn.

Trong 99 bộ phim trước đây, bất kể là cao thủ võ lâm, cảnh sát Hong Kong hay dân giang hồ, Thành Long đều diễn xuất cho những nhân vật giả tưởng.

57 tuổi, gia nhập làng điện ảnh đã 48 năm, Thành Long nói rằng con đường đến với điện ảnh của anh không hề được trải thảm như nhiều người nghĩ và đằng sau gương mặt luôn mỉm cười của anh chất chứa nhiều chuyện mà chẳng ai có thể biết.

8 tuổi đã trở thành ngôi sao

Những năm 30, 40 của thế kỷ trước, điện ảnh Hong Kong cần rất nhiều trẻ em cho những vai diễn. Theo đó, cơ hội để được lên màn ảnh và trở thành ngôi sao nhí không phải là chuyện quá khó.

Khi còn nhỏ Thành Long được theo học kinh kịch, lấy nghệ danh là Nguyên Lầu. Hàng tối, anh đều phải lên sân khấu và cơ hội lên màn bạc đã đến. Năm 1962, khi mới 8 tuổi, Thành Long đã vào vai con trai của Lý Lệ Hoa - nữ minh tinh nổi danh thời đó, ngay lập tức trường quay là nơi Thành Long thường xuyên qua lại.

Thừa nhận từng đóng phim cấp 3

Năm 2009, trong một buổi họp báo, Thành Long không hề né tránh trước câu hỏi của phóng viên về việc tham gia phim cấp 3. Anh nói: "Vào thời điểm đó để có thể sống, tôi chẳng sợ gì cả và chấp nhận làm mọi việc."

Tìm đến con đường phim võ thuật

Những năm 70 của thế kỷ trước, với chút tiếng tăm tại Hong Kong, Thành Long khi đó có tên Trần Nguyên Long đã sang Macau để phát triển sự nghiệp. Năm 1976, đạo diễn Hong Kong La Vi đã tìm Trần Nguyên Long trở về Hong Kong và lúc bấy giờ cái tên Thành Long mới chính thức ra đời. Mặc dù đóng rất nhiều phim nhưng Thành Long vẫn chưa thể thu hút được sự chú ý của khán giả.

Đến năm 1978, khi tham gia diễn xuất trong bộ phim võ thuật "Snake in the Eagle's Shadow," Thành Long đã đưa những yếu tố hài hước vào phim. Phải đến thời điểm này, Thành Long mới thực sự được khán giả để ý. "Snake in the Eagle's Shadow" đã trở thành phim có doanh thu phòng vé cao nhất trong năm đó. Tiếp theo là series phim "Túy quyền" đã đưa sự nghiệp diễn xuất của Thành Long lên tầm cao mới.

Giải thưởng điện ảnh đầu tiên

Năm 1980, Thành Long đã từng đến Hollywood đóng phim nhưng đó chỉ là một vai diễn rất nhỏ bởi thế người Mỹ không biết đến anh. Lần thứ 2 đến với Hollywood, Thành Long vẫn không thành công bởi người ta tạo cho anh những vai diễn khô cứng và khán giả không yêu thích.

Đến những năm 90, Thành Long lại tiếp tục lấn sân sang Hollywood, bắt đầu với những vai diễn sở trường và người Mỹ đã chú ý đến anh.

Mặc dù có chút danh tiếng tại Hollywood và từng hơn 10 lần nhận được đề cử nhưng Giải Kim Tượng của Hong Kong chưa một lần dành cho Thành Long. Năm 1992 và 1993, Thành Long liên tiếp nhận Giải Kim Mã của Đài Loan.

Năm 2005, khi đã 51 tuổi, Thành Long mới nhận được Giải Kim Kê với vai diễn trong phim "Câu chuyện tân cảnh sát," đây là giải thường có ý nghĩa đầu tiên của anh. Thành Long cũng trở thành diễn viên Hong Kong đầu tiên nhận được giải thưởng của điện ảnh Trung Quốc đại lục.

Đóng phim không cátxê

Những ngày đầu mới đóng phim, Thành Long làm mọi việc để kiếm tiền nhưng đến thời điểm này, Thành Long lại chẳng nhận được một xu tiền cátxê cho những vai diễn. Trong bộ phim "Kiến quốc đại nghiệp," Thành Long không hề nhận cátxê cho mình và cho trợ lý. Nhưng trên thực tế, với vai trò làm nhà đầu tư, Thành Long không cần đóng phim với mức lương cố định. Trước đây, người ta thường bàn chuyện tiền trước và đóng phim sau nhưng hiện tại Thành Long đóng phim trước và tính tiền sau./.

Lan Phương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục