Ủy ban bầu cử Thái Lan muốn làm trung gian hòa giải

Ngày 11/2, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã bất ngờ đưa ra đề xuất làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và Phong trào biểu tình.
Người biểu tình chống chính phủ tuần hành tại thủ đô Bangkok ngày 4/2. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 11/2, Ủy ban bầu cử Thái Lan đã bất ngờ đưa ra đề xuất làm trung gian hòa giải cho các cuộc đàm phán giữa Chính phủ và Phong trào biểu tình.

Tuyên bố trên đã được Chủ tịch Ủy ban bầu cử Somchai Srisutthiyakorn đưa ra, với lời giải thích rằng chỉ có đàm phán mới giúp khắc phục được bế tắc và góp phần tổ chức được một cuộc bầu cử mới để từ đó mới thành lập được Hạ viện.

Theo Ủy ban bầu cử việc tổ chức các vòng bỏ phiếu sẽ chẳng mang lại kết quả tối thiểu phải đủ 95% số nghị sỹ (475 người) để tổ chức phiên họp đầu tiên tại Hạ viện để bầu ra chính phủ và thủ tướng mới.

Cơ hội duy nhất để thực hiện đúng hiến pháp là các bên đối đầu, đặc biệt là Thủ tướng Yingluck Shinawatra và thủ lĩnh biểu tình phải tổ chức đàm phán.

Ông Somchai cho rằng đàm phán không bao giờ là muộn. Ủy ban bầu cử đã sẵn sàng làm trung gian hòa giải và sẽ không có gì đáng lo ngại nếu đàm phán đổ vỡ bởi tình hình hiện nay đã thay đổi. Đàm phán là hướng đi tốt nhất cho một cuộc bầu cử thành công.

Trước cuộc tổng tuyển cử 2/2 vừa qua, Ủy ban bầu cử từng đề xuất với các đảng phái chính trị về việc hoãn bỏ phiếu, tuy nhiên, họ đã không đạt được mục tiêu của mình.

Ủy ban này đã đổ lỗi cho chính phủ Thái Lan vì thất bại này mặc dù trên thực tế nhiệm vụ chính của họ là tổ chức cuộc bầu cử chứ không phải là đề xuất hoãn hay thay đổi ngày bầu cử đã định.

Các thành viên Ủy ban bầu cử hoàn toàn có quyền đệ đơn từ chức nếu họ không tán thành việc tổ chức cuộc bầu cử. Tuy nhiên, họ lại không làm vậy mà chỉ luôn tìm cách cản trở cuộc bầu cử diễn ra.

Theo kế hoạch, Ủy ban bầu cử sẽ lại mời đại diện của chính phủ vào đầu tuần tới nhằm thảo luận về việc làm thế nào để hoàn tất bầu cử mà không vi phạm hiến pháp.

Tại cuộc gặp này hai bên sẽ thảo luận việc làm thế nào để đạt được số nghị sỹ tối thiểu 475 người (95%) trong tổng số 500 nghị sỹ tại Hạ viện để tổ chức được phiên họp đầu tiên.

Các bên cũng sẽ bàn về việc tổ chức các cuộc bỏ phiều tiếp theo, việc làm thế nào để thông báo số nghị sỹ theo danh sách đảng mà chưa biết được kết quả từ 93.000 hòm phiếu và việc làm thế nào để vẫn tổ chức bỏ phiếu trong tình trạng bị người biểu tình bao vây.

Ủy ban bầu cử dự kiến sẽ đề nghị chính phủ công nhận một sắc lệnh của Hoàng gia nhằm ấn định ngày bầu cử mới cho 28 khu vực bỏ phiếu ở miền Nam chưa tổ chức đăng ký được ứng cử viên.

Chính phủ Thái Lan từng bác bỏ ý kiến này với lý do sắc lệnh cũ về tổ chức cuộc bầu cử ngày 2/2 vẫn còn hiệu lực và những nơi còn dang dở thì vẫn tổ chức cho tới khi đạt kết quả.

Khả năng vấn đề này sẽ lại được Ủy ban bầu cử đưa lên Tòa án Hiến pháp để tòa án có phán quyết liên quan tới ngày tổ chức bầu cử mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục