Doanh nghiệp không thể... đi bằng một chân

Để thành công trong việc đón đầu cơ hội mới, chỉ riêng sự nỗ lực của doanh nghiệp thôi chưa đủ, mà cần thêm "chân" hỗ trợ của Nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, do được tái cơ cấu sau suy thoái nên sắp tới trật tự kinh tế thế giới sẽ có nhiều thay đổi, trong đó tạo ra không ít cơ hội.

Bởi vậy, để thành công trong việc đón đầu những cơ hội này, chỉ riêng sự nỗ lực của doanh nghiệp thôi chưa đủ, mà cần thêm "chân" hỗ trợ của Nhà nước.

Doanh nghiệp chủ động

Các chuyên gia cho rằng, muốn tận dụng tốt cơ hội sau suy thoái kinh tế thế giới, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp, với tư cách là người trong cuộc, cần chủ động vào cuộc.

Tùy ngành nghề, mục tiêu kinh doanh mà liều lượng các công việc cần triển khai khác nhau. Coi con người là yếu tố quyết định thành bại, nhiều ý kiến cho rằng xây dựng một dàn đội ngũ quản trị doanh nghiệp giỏi chính là bí quyết cho sự thành công của doanh nghiệp.

Bởi vậy, lúc này doanh nghiệp nên ưu tiên các nguồn lực để đầu tư cho xây dựng đội ngũ quản trị doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Công Chánh, chủ một doanh nghiệp Việt kiều ở Mỹ chia sẻ: gần 30 năm kinh doanh ở Mỹ giúp tôi đúc rút được một điều, dù khó khăn đến mấy, nhưng nếu doanh nghiệp nào có một đội ngũ chèo lái doanh nghiệp giỏi, chắc tay, sẽ trụ vững và thành công.

Do vậy, để nhanh nhạy tận dụng hiệu quả cơ hội sau suy thoái, các doanh nghiệp nên đầu tư mạnh cho chiêu mộ nhân tài, nhất là cho các vị trí chủ chốt về mảng quảng bá, tiếp thị, bán hàng...

Ông Chánh cảnh báo các doanh nghiệp đang đón đầu cơ hội hậu suy thoái theo kiểu ăn xổi, nhiều rủi ro, điển hình là lao vào bất động sản. Trong khi đó, lẽ ra điều các doanh nghiệp nên làm là chuẩn bị điều kiện để đón đầu cơ hội trong những lĩnh vực mang tính dài hơi, bền vững, cụ thể như đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, sản xuất dược phẩm, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao...

Theo các chuyên gia kinh tế, một thay đổi đáng kể của kinh tế thế giới sau suy thoái là sự biến động của yếu tố thị trường, trong đó có cả thay đổi thị hiếu tiêu dùng. Đặc thù này đòi hỏi doanh nghiệp chủ động trong nắm bắt các xu thế mới của thị trường, để xây dựng chiến lược tiếp cận thị trường khôn ngoan.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Tuyên, Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Sống Khỏe đề xuất: để đón đầu hiệu quả nhu cầu mới của thị trường, các doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá hình ảnh của mình gắn chặt với tìm hiểu thị trường.

Việc khảo sát thị trường nên gắn với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp, chứ không phải làm theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa". Trong quá trình tìm hiểu thị trường tranh thủ kết nối với đối tác, để vừa nắm bắt nhu cầu biến động của thị trường, vừa tìm kiếm cơ hội bán hàng...

Chia sẻ quan điểm tăng cường tiếp thị, quảng bá hình ảnh doanh nghiệp của Tiến sĩ Tuyên, ông Nicholas Nguyen, Giám đốc Công ty chăm sóc sức khỏe Bridge Healthcare, Australia nói: "Điều quan trọng nhất trong quá trình quảng bá là doanh nghiệp cần làm mới hình ảnh của mình sau suy thoái. Hãy chứng minh cho đối tác, thị trường thấy rằng doanh nghiệp của mình có thế mạnh gì mới sau suy thoái, đã sẵn sàng đáp ứng thị hiếu tiêu dùng thay đổi ra sao...".

Các chuyên gia khuyến cáo, trên cơ sở nắm bắt xu thế của thị trường, doanh nghiệp cũng nên có kế hoạch đổi mới công nghệ; xác lập chiến lược tiếp cận thị trường năng động; lên kế hoạch triển khai các dự án kinh doanh khả thi, mang lại hiệu quả cao.

Cần Nhà nước hỗ trợ

Theo nhiều chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp, để giúp doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội sau suy thoái phải đảm bảo "đi bằng hai chân". Nghĩa là ngoài "chân" doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của "chân" Nhà nước.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho rằng, một hỗ trợ quan trọng mà Nhà nước cần tăng cường chi viện cho doanh nghiệp là đảm bảo tính bền vững của hệ thống tài chính, tiền tệ. Sở dĩ phải hết sức chú ý đến điều này, bởi thực tiễn suy thoái vừa qua chứng minh chỉ cần để hệ thống này lơi lỏng là có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không chỉ cho từng doanh nghiệp, mà cả nền kinh tế.

Chính sách của Nhà nước tốt được các chuyên gia ví như "nguồn lực vàng". Nó không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt cơ hội sau suy thoái, mà còn giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh.

Theo ông Nicholas Nguyen, chính sách của Nhà nước ngày càng thông thoáng, nhưng như thế chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải rõ ràng, dễ thực hiện.

Tuy nhiên, hiện không ít chính sách còn thiếu rõ ràng, nên gây khó khăn cho doanh nghiệp. Hy vọng, hạn chế này sẽ được khắc phục thông qua việc Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành công khai bộ thủ tục hành chính, sau đó là loại bỏ các thủ tục không minh bạch, không cần thiết...

Để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, ông Nguyễn Công Chánh đề xuất cho rằng Nhà nước nên tăng đầu tư cho đào tạo nguồn nhân lực chất lượng quốc tế. Việt Nam có nguồn lực con người dồi dào, vấn đề quan trọng là xác định mô hình và cách thức đào tạo sao cho có chất lượng.

Đồng thời, Nhà nước cần tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, tạo cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thành công sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm đáng kể chi phí kinh doanh, nhờ đó nâng cao sức trạnh tranh.
 Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, để giảm thiểu rủi ro của hệ thống tài chính, tiền tệ, Nhà nước cần nhạy bén, công khai hơn trong điều hành. Kèm theo đó là thiết lập hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng, chặt chẽ đảm bảo cho hệ thống này vận hành an toàn, hiệu quả.

Tránh để dòng vốn chảy quá nhiều vào những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như chứng khoán, bất động sản... thay vào đó nên nắn nó chảy mạnh hơn vào các ngành tạo ra nhiều công ăn việc làm, mang lại hiệu quả cao, bền vững.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục